(HNMO) - Sáng 20-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị. |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận định, Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” là quyết định mang tính lịch sử đối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh liên quan. Nhằm đánh giá những thành tựu nổi bật, rút ra bài học kinh nghiệm, những hạn chế, khó khăn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU, ngày 12-12-2017 về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và 30/30 quận, huyện, thị ủy đã tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở đánh giá của các đơn vị, Thành ủy đã chỉ đạo tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo và xin ý kiến của các bộ, ban, ngành trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học.
Tiếp thu ý kiến của cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết với 3 phần chính. Phần 1: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết. Phần 2: Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Nghị quyết những năm tiếp theo. Phần 3: Một số kiến nghị, đề xuất để tiếp tục phát triển Thủ đô.
"Với tinh thần nghiêm túc và mong muốn báo cáo đánh giá được toàn diện hơn, hôm nay, Thành ủy tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ về dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí để hoàn thiện nội dung báo cáo cũng như về các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để Thủ đô Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Bước phát triển mạnh mẽ
Dự thảo báo cáo do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày cho thấy, nhìn lại thời điểm trước hợp nhất, TP Hà Nội đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Phạm vi hành chính và không gian diện tích hạn hẹp; nhiều trường học, bệnh viện lớn, nhà máy, xí nghiệp vẫn nằm trong trung tâm thành phố. Quy mô dân số, các hoạt động sản xuất kinh doanh và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông rơi vào tình trạng quá tải, mất cân đối ngày càng lớn và gay gắt.
Thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương, với phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, tất cả vì công việc chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, thực hiện một khối lượng lớn công việc trong một thời gian rất ngắn; tiến hành hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị một cách nhanh chóng, hợp lý, công tâm, khách quan, dân chủ và vận hành thông suốt từ ngày 1-8-2008.
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Cụ thể, trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Năm 2017, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) gần gấp 2 lần, thu nhập (tính theo GRDP) tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn tăng 2,3 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008. Lĩnh vực văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long và xứ Đoài được gìn giữ, phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quốc phòng được tăng cường, công tác đối ngoại được mở rộng. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo khởi sắc rõ rệt. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có chuyển biến tốt hơn. Vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2010).
Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính với sự nghiệp xây dựng và phát triển tại Thủ đô.
Phát huy tinh thần đoàn kết, khẳng định vị thế của Thủ đô
Tham luận tại hội nghị, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về chặng đường phát triển của Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính. Cơ bản đồng tình với những kết quả của Thủ đô được nêu trong dự thảo báo cáo, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố đều cho rằng, những kết quả đã đạt được đã khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của Nghị quyết 15/2008/QH12. Có được kết quả này là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, thống nhất triển khai thực hiện Nghị quyết với tinh thần tập trung, dân chủ, công tâm, vô tư.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị |
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, khi Quốc hội đưa vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ra thảo luận tại nghị trường cũng như trong suốt quá trình thảo luận có nhiều ý kiến băn khoăn. “Thuận lợi, cơ hội - lúc đó chỉ là triển vọng, phải phấn đấu quyết liệt, bài bản mới có được; còn khó khăn chính là thực tế. Nếu tổ chức thực hiện kém, những mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết sẽ khó đạt được. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, Hà Nội đã thực hiện bài bản và thành công. Nếu không có chủ trương mở rộng địa giới Thủ đô, Hà Nội ngày nay sẽ không có không gian đủ tầm để phát triển. Đặc biệt, phải ghi nhận việc thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính một cách sáng tạo của thành phố Hà Nội đã góp phần tạo nên những kết quả rõ nét trong 10 năm vừa qua. Hà Nội đã “cân đong, đo đếm, tiên lượng” thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 một cách thận trọng, bài bản để có được kết quả hôm nay” - đồng chí Phạm Quang Nghị nhận xét.
Đánh giá cao công tác sắp xếp cán bộ sau thời điểm hợp nhất, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến cho rằng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15/2008/QH12, các Đảng bộ trực thuộc TP Hà Nội đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. “Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới sau hợp nhất đã làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức công tác cán bộ. Đây là một việc làm rất khó, khi hai cơ quan sáp nhập thành một, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của nhiều cán bộ. Nhưng do đã xác định được nhiệm vụ và đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ nên chỉ sau thời gian ngắn đã hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tạo sự đồng tình, đoàn kết, thống nhất" - đồng chí Tưởng Phi Chiến đánh giá.
Tuy nhiên, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố cũng chỉ rõ những bất cập còn tồn tại sau hợp nhất liên quan đến quy hoạch hạ tầng đô thị, đặc biệt là lĩnh vực giao thông; vấn đề duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của Thủ đô...
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, dự thảo báo cáo cũng cần hướng tới sự cô đọng, chắt lọc; cần bổ sung số liệu điều tra xã hội học về người dân và cảm nhận của người dân sau 10 năm. “Báo cáo phải trả lời 3 câu hỏi: Sau 10 năm trên đường phát triển của Thủ đô đang nảy sinh mâu thuẫn gì? Trong xã hội thông tin đã phát triển cực đại, khiến quan hệ xã hội kết nối và biến đổi sâu sắc, tác động mạnh đến tư tưởng, chúng ta đã chuẩn bị những gì để không bị động? Thứ ba, khâu đột phá trong giai đoạn tới của Hà Nội là gì?..." - đồng chí Phùng Hữu Phú nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, sau khi các quận, huyện, thị xã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, Thành ủy đã tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo và xin ý kiến của các bộ, ban, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học. “Những ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố hôm nay sẽ được Thành ủy tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo quan trọng này” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.