(HNM) - Từ ngày 13 đến 15-4, thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Với 15 sự kiện chính và nhiều hoạt động bên lề, đây là dịp để các địa phương hai nước Việt Nam - Pháp gặp gỡ, trao đổi, thúc đẩy cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển trong nhiều lĩnh vực.
Với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 (hội nghị 12) tập trung bàn thảo nhiều nội dung như phát triển bền vững, vấn đề nước, môi trường, vấn đề số hóa, bảo tồn di sản… với những điểm rất mới. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức hội nghị 12 Lê Hồng Sơn, bên cạnh những thành tựu chung trong quá trình hợp tác 30 năm trải rộng trên nhiều lĩnh vực, lần này hai bên đều quan tâm tới việc cùng hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư một cách thực chất, hiệu quả giữa các địa phương, tương xứng với tiềm năng của Pháp và Việt Nam.
Hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp được đánh giá là một trong những hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất xét về số lượng đối tác tham gia, cũng như về mức độ cam kết tài chính và quy mô. Cơ chế hợp tác phi tập trung này được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại thành phố Lille (Pháp).
Những năm qua, hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp không ngừng được củng cố, phát triển và trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước. Đến nay, 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 24 địa phương của Pháp hợp tác với 55 dự án và thỏa thuận hợp tác cấp địa phương. Các dự án hợp tác tập trung vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn - bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Hiện tại, 3 đơn vị hành chính Pháp có đại diện tại Việt Nam bao gồm: Hội đồng Vùng Ile-de-France tại thành phố Hà Nội; Hội đồng Vùng Nouvelle - Anquitaine tại tỉnh Lào Cai; Hội đồng tỉnh Val-de-Marne tại tỉnh Yên Bái. Việc các đơn vị hành chính Pháp đặt văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam chứng tỏ sự gắn bó lâu dài giữa các địa phương hai nước Việt Nam - Pháp.
Đối với Hà Nội, hợp tác với các địa phương Pháp đã được triển khai cụ thể qua những dự án quan trọng từ bảo tồn di sản, văn hóa cho đến xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh… Dấu ấn của quá trình hợp tác được thể hiện qua nhiều dự án quan trọng trên địa bàn thành phố, như: Công trình cải tạo nhà truyền thống 87 Mã Mây, Trung tâm Văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, thiết kế bộ nhận diện Bảo tàng Hà Nội, cùng nhiều hoạt động giúp phát huy giá trị di sản Thủ đô. Ở lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, với kinh nghiệm và nền tảng về hạ tầng kết cấu kỹ thuật đô thị, đặc biệt về hệ thống viễn thông, Pháp đã hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đô thị hiện đại.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp đã đáp ứng được yêu cầu phát triển và kỳ vọng của hai nước, đồng thời, đây là kênh quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp một cách thiết thực. Các nhà lãnh đạo hai bên đều nhận định, cơ chế hợp tác này cần được tăng cường và phát huy trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.