(HNMO) - Sáng 20-1, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy chủ trì hội nghị.
Cùng dự còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Hội nghị nhằm góp ý vào: Dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội; dự thảo quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 04; dự thảo quyết định thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 04.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025 từ 2,5-3%; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 đạt từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Đồng thời, thành phố tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu mỗi năm, thành phố đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu.
Về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; gắn quy hoạch xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị (xã lên phường, huyện lên quận). Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm.
Về nâng cao đời sống nông dân, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên.
Trong xây dựng nông thôn mới phải tích hợp với các tiêu chí đô thị
Tại hội nghị, 12 ý kiến tham luận của các huyện, thị xã, sở, ngành… đều đồng tình cao với dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội. Tuy vậy, các ý kiến cũng chỉ ra một số điểm còn chưa phù hợp, đề nghị Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực soạn thảo Chương trình số 04 cần bổ sung, sửa đổi một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình; kết cấu lại nội dung cho logic, khoa học hơn. Ví dụ, các chỉ tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch... sẽ rất khó thực hiện bởi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động; chỉ tiêu bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm là thấp vì hiện đã có nhiều địa phương đạt và vượt mục tiêu này…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị kết cấu của dự thảo Chương trình số 04 bám theo kết cấu dự thảo Chương trình số 01; các nội dung thực hiện phải được bám sát theo nội hàm của Chương trình số 04 để xây dựng theo thứ tự; một số chỉ tiêu cần xem lại, rà soát kỹ hơn; bổ sung một số sở, ngành trong thành phần dự thảo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 để thực hiện hiệu quả...
Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo Chương trình số 04 cần bổ sung, hoàn thiện sớm để Ban Chỉ đạo Chương trình báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, dự kiến vào cuối tháng 3-2021.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Chương trình số 04 đòi hỏi cả về chất và lượng rất cao so với Chương trình số 02 của nhiệm kỳ trước; nội dung Chương trình đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII với nội dung rất rõ: “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Do vậy, cơ quan thường trực soạn thảo Dự thảo Chương trình số 04 cần bám vào nội hàm trên để thực hiện cho sát.
Về các giải pháp thực hiện Chương trình số 04, Sở NN&PTNT cần bám sát vào chỉ tiêu của Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; đồng thời, phải tích hợp dữ liệu của Cục Thống kê và các sở, ngành để xây dựng cho sát. Để thực hiện Chương trình số 04, Sở NN&PTNT cũng cần xây dựng các chuyên đề riêng để thực hiện, như: Chuyên đề về tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới, dự thảo Chương trình số 04 phải tích hợp với các tiêu chí đô thị không chỉ ở 5 huyện đã có đề án phát triển lên quận mà còn với các huyện, thị xã khác, bảo đảm bảo tồn bản sắc văn hóa của Thủ đô.
Đối với dự thảo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 04, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo đưa thêm 3 đơn vị vào thành viên Ban Chỉ đạo là: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Cục Thống kê Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.