Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2018

Hoàng Quyên - Ngô Hương - Ảnh: Viết Thành| 29/03/2018 08:25

(HNMO) - Sáng nay (29-3), Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban quý I-2018 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.

Hội nghị bàn về các vấn đề: Kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội"; tình hình kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, mục tiêu, giải pháp thực hiện trong năm 2018.

Toàn cảnh hội nghị.


Chủ trì hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy. Tới dự hội nghị còn có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và đại diện các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình đạt 98,7%

Mở đầu hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày hai báo cáo. Theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội, công tác cấp GCN trên địa bàn thành phố đã có chuyến biến tích cực, rõ nét, đặc biệt là cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, cấp GCN cho mua nhà tái định cư, mua nhà tại dự án phát triển nhà ở.

Tính luỹ kế đến ngày 16-3-2018, kết quả đăng ký, cấp GCN trên địa bàn thành phố như sau: Cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, trong khu dân cư, tổng số thửa đất cần cấp GCN và đăng ký kê khai là gần 1,552 triệu thửa, đã thực hiện cấp GCN và đăng ký kê khai đất lần đầu là hơn 1,535 triệu thửa, đạt 98,9%. Trong đó, thành phố đã cấp GCN được hơn 1,339 triệu thửa, đạt 98,7%.

Về việc cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở, toàn thành phố đã cấp GCN cho hơn 161.028 căn/178.278 căn, đạt 90,32% (còn hơn 17 nghìn căn hộ đang tiếp tục triển khai cấp GCN).

Việc cấp GCN cho người mua nhà tái định cư: Đã cấp cho 12.920 căn/14.027 căn, đạt 92,11%; cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa, đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,01%; cấp GCN co tổ chức đạt 89,54%; cấp GCN cho cơ sở tô giáo, tính ngưỡng đạt 7,19%.

Về tình hình, kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, mục tiêu, các giải pháp thực hiện trong năm 2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, mặc dù công tác giao đất dịch vụ đã được thành phố chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả đạt được thấp. Theo thống kể của các quận, huyện, thị xã, nhu cầu quỹ đất dịch vụ trên toàn thành phố là 735,524 ha; số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ là 66.028 hộ. Đến hết ngay 31-12-2017, thành phố đã giao đất dịch vụ được 327,346 ha, cho 38.194 hộ, đạt 44,51% về diện tích và 57,85% về số hộ.

Các quận, huyện: Giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân

Tại hội nghị, các ý kiến thẳng thắn nhìn nhận: Việc cấp giấy chứng nhận cho một số loại đất trên địa bàn thành phố còn chưa đạt kế hoạch; công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai chưa đạt mục tiêu; công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước còn chậm; công tác quản lý, thống kê, theo dõi đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hạn chế, đến nay một số cơ quan tự quản của trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp chưa dứt điểm; công tác cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kết quả đạt thấp; vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết kịp thời.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông, Sở đã tổ chức các buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp GCN quyền SDĐ. Sau khi có Chỉ thị 09 của Thành ủy, việc cấp GCN dồn điền đổi thửa đến nay đạt 99,1%; cấp GCN cho hộ gia đình lần đầu đạt 98,9%, cho người mua nhà tại định cư đạt 92%.

“Các quận, huyện tập trung đẩy nhanh giao đất dịch vụ cho các hộ với 102 ha, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 179ha đã GPMB. Nếu thực hiện được hai nội dung này, cơ bản sẽ hoàn thành giao đất dịch vụ cho các hộ”, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng bày tỏ, hiện nay huyện gặp phải nhiều vướng mắc do chính sách cũ để lại. Những năm trước đây, theo quyết định cũ của tỉnh Vĩnh Phúc, toàn bộ việc giải phóng mặt bằng do ngân sách nhà nước, điều này đã tạo áp lực và gánh nặng không nhỏ cho lãnh đạo địa phương ở thời điểm hiện tại. Thời gian tới, lãnh đạo huyện Mê Linh sẽ thành lập ban chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành Luật Đất đai cho người dân để từ đó có những biện pháp gắn quy hoạch với đấu giá đất, tránh tạo áp lực cho ngân sách nhà nước.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung điều hành buổi thảo luận.


Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, đến hết ngày 31-12-2017, nhà TĐC đã được cấp GCN đạt 92,1%. Nếu tính từ tháng 2-1997 đến nay, quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước như khu tập thể, nhà cấp 4, tổng số quỹ nhà phải bán là 168.000 căn. Đến nay ngành Xây dựng và các đơn vị liên quan đã bán được 154.700 căn. Như vậy, sau khi có Chỉ thị 09, bán nhà ở cũ, nhà ở cấp 4 đạt 140% so với kế hoạch.

Đánh giá về công tác thực hiện cấp GCN quyền sử dụng đất, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, sự vào cuộc của các quận, huyện, thành phố đã cho kết quả khá. Công tác cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực, từ đó đã giảm đáng kể sự nhũng nhiễu, phiền hà của người dân. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá cao sự chỉ đạo của thành phố, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các quận, huyện.

Vấn đề cấp đất dịch vụ cho người dân, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Phong nhận định, đây là vấn đề rất khó khăn mà thành phố đã tập trung giải quyết nhưng đến nay kết quả chưa đạt được như yêu cầu. Nhưng vẫn còn nmột số quận, huyện kết quả đạt thấp. Nguyên nhân của việc này là do lãnh đạo chỉ đạo tại các địa phương chưa quyết liệt, còn đổ lỗi cho khách quan; công tác tuyên truyền vận động, chưa tạo được hiệu quả. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giao đề nghị các quân, huyện, sở ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao trách nhiệm vai trò của người đứng đầu…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đây hai vấn đề nằm trong nhóm vấn đề bức xúc của thành phố đã được Thành ủy chỉ đạo giải quyết ngay từ đầu năm 2016. Nếu giải quyết được triệt để hai vấn đề này sẽ giảm khiếu kiện trên địa bàn và phục vụ tốt công tác quản lý đất đai, đáp ứng kịp thời gian thưc hiện Đề án số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cải cách hành chính.

Để đáp ứng tiến độ, yêu cầu của Chỉ thị 09, thời gian vừa qua thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên- Môi trường thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các quận, huyện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cùng các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, trên cơ sở tập hợp báo cáo của các quận, huyện, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên - Môi trường để thống nhất nhiều nội dung, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai nội dụng trên.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Biến quyết tâm thành hành động cụ thể

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được và đánh giá cao sự vào cuộc có hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, các sở, ngành, quận, huyện. Hội đồng nhân dân thành phố đã tổ chức các đoàn giám sát tình hình và kết quả cấp GCN quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Xây dựng, 8 quận huyện. UBND thành phố ra chỉ thị, kế hoạch và giao ban thường xuyên về công tác này. Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cấp chính quyền, công tác cải cách hành chính đã giảm phiền hà đáng kể cho nhân dân và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị.


Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhìn nhận, ngoài những kết quả đạt được trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất thì vẫn còn những tồn tại và đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm của các cấp, ngành phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường và các bộ, ngành có liên quan. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới. Đó là, các cấp chính quyền phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về đất đai, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, vận động người dân thực hiện trách nhiệm đăng ký, kê khai đất đai cũng như nghĩa vụ tài chính về đất đai; các cấp chính quyền công khai và minh bạch hoá thông tin quy định, quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký kê khai; trách nhiệm chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả 9 nhóm giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 09; tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với các tổ chức cá nhân; hoàn thành số hoá số liệu đất đai, giúp công tác quản lý được minh bạch…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các sở, ban, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện để tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị; Đảng đoàn, HĐND, Ban cán sự Đảng thành phố phải chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố tiếp tục rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, thanh tra công vụ để duy trì được kết quả công tác cải cách hành chính...

Về kết quả thực hiện công tác bàn giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố đã đề ra mục tiêu là tháng 9-2018 phải hoàn thành. “Đây là nội dung khó khăn nhưng chúng ta phải cố gắng thực hiện để đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Thực tế là đất đai sẽ được đưa vào sử dụng một cách hiệu quả”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Trong 3 năm 2015 – 2017, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Việc bàn giao đất dịch vụ đến 31-12-2017 đã đạt 57,85% số hộ và 44,51 diện tích, trong đó có những đơn vị thực hiện tốt như Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoàng Mai, Phúc Thọ… Tuy nhiên, với những đơn vị đạt thấp thì phải có chương trình, kế hoạch quyết liệt, tích cực hơn như: Ứng Hoà, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì…

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhìn nhận, để đạt được tỉ lệ hoàn thành trong tháng 9-2018 cần sự quyết liệt và quyết tâm của các cấp chính quyền. Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp chính quyền phải biến quyết tâm thành chương trình kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu trong năm nay. Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự Đảng UBND TP tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo và giám sát, tháo gỡ khó khăn, tồn tại. Các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cần công khai minh bạch thông tư, chính sách của thành phố, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong quá trình giao đất dịch vụ, khuyến khích tạo cơ chế để người dân tự nguyện nhận tiền thay vì giao đất dịch vụ... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.