Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Cấp cao APEC-19: Kỳ vọng lớn

Thùy Dương| 14/11/2011 06:44

(HNM) - Kỳ nghỉ cuối tuần qua (ngày 12,   13-11, giờ địa phương), quần đảo Hawaii (Mỹ) đã thành tâm điểm của thế giới khi quy tụ các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế tới tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC-19).

Dễ dàng nhận thấy, chương trình nghị sự tại Hawaii đã bị phủ bóng bởi khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi Hy Lạp và Italia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và người đồng cấp Italia Silvio Berlusconi đã chính thức tuyên bố từ chức.

Các lãnh đạo chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị APEC 19 (ngày 12-11).


Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo tại APEC-19 đều thống nhất về sự cần thiết củng cố nền kinh tế của mỗi nước trong khu vực để chống lại hiệu ứng domino từ Lục địa già. Thực tế, hơn hai thập kỷ qua, hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương được coi là một trục quan trọng trong quá trình liên kết kinh tế toàn cầu. Vì vậy, trong thời điểm nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn cùng nguy cơ trở lại của xu thế bảo hộ mậu dịch, APEC với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu trong khu vực đã nhất trí tập trung vào chủ đề của năm nay là "Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại" tập trung vào ba vấn đề trọng tâm là đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại, thúc đẩy tăng trưởng xanh và nâng cao hợp tác và đồng bộ về chính sách giữa các nền kinh tế.

Đây là lần đầu tiên sau 18 năm, Mỹ đăng cai hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, kể từ khi Tổng thống Bill Clinton chủ trì hội nghị tương tự tại Seattle năm 1993. Vì thế, các động hướng chính sách mới của Mỹ tại Hawaii được dư luận hết sức chú ý, nhất là trong bối cảnh "Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương" (TPP) do Mỹ khởi xướng đã có những tiến triển quan trọng và chuẩn bị đón nhận sự tham gia của Nhật Bản. Ngày 12-11, 9 quốc gia, gồm: Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã đạt được những nét chính về TPP. Đây là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 quốc gia về một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới. Trong đó, tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ XXI sẽ được tiến hành. Liên quan tới 9 nền kinh tế năng động thuộc ba châu lục, chiếm 1/4 sản lượng kinh tế thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 16.000 tỷ USD và một thị trường với 472 triệu dân, đây sẽ là hiệp định đầu tiên nối liền hai bờ Đông và Tây của Thái Bình Dương. Vì thế, không khó hiểu khi TPP là một nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại APEC-19 vì được dự báo sẽ mở ra nhiều thị trường mới, tạo thêm sức sống cho kinh tế Mỹ đang khủng hoảng. Và Mỹ đã không bỏ qua cơ hội Hawaii để tranh thủ sự ủng hộ của các nước với TPP, một khuôn mẫu mới trong hợp tác APEC; đồng thời hứa hẹn thêm hàng triệu việc làm cho nền kinh tế đang bị trì trệ tại cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

Vì thế, chủ trì Hội nghị APEC-19, Tổng thống Barack Obama trong phát biểu của mình đã gửi một thông điệp đến người dân Mỹ rằng châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng và đóng vai trò then chốt giúp Mỹ phát triển kinh tế, cụ thể hỗ trợ Washington tăng gấp đôi xuất khẩu vào năm 2015 và tạo ra nhiều việc làm.

Đặc biệt, năm nay đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự APEC-19 đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội Đảng lần thứ XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC. Trong một phát biểu tại ngày làm việc thứ hai (12-11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh APEC đang nỗ lực tăng cường hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Đối với nhiều nước đang hội nhập sâu rộng vào quốc tế và khu vực; trong đó có Việt Nam, nhu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế càng trở nên cần thiết và quan trọng.

Như vậy, những tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn đã đem lại thành công nhất định tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19. Bởi lẽ, trong một thế giới đang đối mặt với quá nhiều thách thức kinh tế hiện nay, một cái bắt tay nồng ấm hơn giữa các nền kinh tế thành viên APEC là cần thiết hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Cấp cao APEC-19: Kỳ vọng lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.