(HNM) - Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Du lịch của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí tăng cường hợp tác để củng cố sự phục hồi ngành Du lịch. Qua đó, giúp hồi sinh ngành "công nghiệp không khói” phát triển an toàn, bền vững, có trách nhiệm và toàn diện hơn.
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11 vừa kết thúc tại Bangkok - Thái Lan hôm 19-8 với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về cách thức hợp tác của APEC nhằm đẩy nhanh sự hồi phục của ngành Du lịch trong kỷ nguyên hậu Covid-19, cũng như vai trò của ngành này trong thúc đẩy đời sống của người dân khu vực. Chính phủ nước chủ nhà APEC 2022 Thái Lan đã đưa ra bản tuyên bố với tiêu đề “Du lịch cho tương lai: Du lịch tái tạo”, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác giữa 21 nền kinh tế thành viên.
“Du lịch tái tạo” tập trung vào cách tiếp cận toàn diện để phát triển và quảng bá du lịch bằng cách tính đến tất cả các tác động có thể có đối với môi trường, văn hóa và lối sống của địa phương. Mục đích cũng là khuyến khích người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ du lịch hòa nhập và bình đẳng, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa và môi trường. Bằng cách bảo đảm phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và thu hút sự tham gia của người dân địa phương, khái niệm “Du lịch tái tạo” được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình phục hồi du lịch, đồng thời giúp người dân có sinh kế tốt hơn.
Thực tế, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc ngừng hoạt động du lịch trong hai năm đại dịch Covid-19. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), ngành Du lịch và lữ hành đóng góp gần 11% vào tổng số việc làm trong khu vực với việc cung cấp khoảng 162 triệu việc làm vào năm 2019. Con số này đã giảm xuống trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, chỉ chiếm 131 triệu việc làm vào năm 2020 và 138,7 triệu việc làm vào năm 2021.
Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng xác nhận tác động quá lớn mà đại dịch Covid-19 gây nên đối với việc làm trong ngành Du lịch ở châu Á và Thái Bình Dương. Gần 1/3 tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành Du lịch. Chưa kể những việc làm liên quan gián tiếp đến ngành này, ước tính mức tổn thất có thể còn cao hơn nhiều. Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành Du lịch tại châu Á và Thái Bình Dương không khác gì một thảm họa”.
Còn Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho rằng, sự tàn phá do Covid-19 gây ra trong hai năm qua chắc chắn là chưa từng có và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mọi người.
Thế nên theo ông Phiphat Ratchakitprakarn, với tư cách là nước chủ nhà APEC 2022, Thái Lan đang hướng tới việc thúc đẩy các khuyến nghị chính sách của APEC về "Du lịch tái tạo" để mở đường cho tương lai của ngành Du lịch trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thái Lan sẽ sử dụng những khuyến nghị này như một điểm khởi đầu cho việc hoạch định chính sách du lịch dựa trên khái niệm du lịch bền vững để giúp hồi sinh ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bảo đảm rằng “không bỏ ai lại phía sau” là con đường chiến lược quan trọng hướng đến sự phục hồi du lịch nhanh chóng, các nhà lãnh đạo du lịch APEC nỗ lực phối hợp hành động để các điểm du lịch, cơ sở vật chất, sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ ngày càng dễ tiếp cận hơn với mọi người, trong đó có thị trường APEC với 435 triệu dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.