Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi kết cho những biệt thự hoang?

Thế Phương| 26/04/2011 06:57

(HNM) - Sau khi công luận lên tiếng về hàng trăm ngôi biệt thự bỏ hoang rải rác trên địa bàn thành phố, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội kiểm tra đồng thời đề xuất biện pháp xử lý.


Mới đây, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn tất việc rà soát và hàng loạt giải pháp đã được các cơ quan chức năng, giới chuyên gia đưa ra với mong muốn giải quyết triệt để những bức xúc lâu nay trong dư luận. Câu chuyện về những ngôi biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang đã đến hồi kết?

Kết quả rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, trong số 16 dự án của 11 chủ đầu tư được kiểm tra gồm khoảng 2.684 căn biệt thự, đã có đến 698 căn (chiếm gần 35%) chưa đưa vào sử dụng. Số biệt thự này rải đều tại nhiều khu đô thị như: Cụm chung cư An Sinh thuộc Mỹ Đình II, Từ Liêm, Khu đô thị mới Cổ Nhuế, Văn Quán, Pháp Vân - Tứ Hiệp... Tình trạng trên kéo theo hàng loạt vấn đề không chỉ làm méo mó thị trường bất động sản mà còn là sự lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai. Điều này cũng đã được công luận đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây.

Trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng biệt thự bỏ hoang, Hà Nội đã đưa ra giải pháp yêu cầu chủ đầu tư mua lại các biệt thự nếu chủ nhân không hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong một thời gian nhất định, sau đó, bán lại cho những người thật sự có nhu cầu. Hiện nay, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đang gấp rút hoàn chỉnh nghị định trình Thủ tướng phê duyệt việc đánh thuế đối với các biệt thự, chung cư, nhà liền kề bỏ hoang trên toàn quốc. Việc này không nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách nên mức thuế sẽ được xây dựng hợp lý căn cứ vào điều kiện cụ thể.

Theo Bộ Tài chính, mức thuế dự kiến ban đầu là 2-3% tài sản/năm và chỉ áp dụng đối với các trường hợp biệt thự, chung cư trong các dự án có khả năng hoàn thành và đã có đầy đủ hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học... Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay trong các pháp luật của ngành thuế chưa có quy định về thu thuế với các biệt thự, nhà ở bỏ hoang, nên việc ban hành, thực hiện phải đúng trình tự. Trước mắt, Bộ này sẽ xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó Chính phủ sẽ ban hành nghị định và sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn về chủ trương này.

Giải pháp nêu trên của TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đều có cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để xử lý dứt điểm tình trạng "nhà hoang", Nhà nước cần đưa ra quy định để chủ sở hữu nhà phải hoàn thiện nhà và ra thời hạn nhất định để hoàn thiện. Nếu sau thời hạn này, chủ sở hữu nhà không hoàn thiện sẽ bị xử phạt hành chính vì làm mất mỹ quan đô thị. Về lâu dài, cần nghiên cứu và sớm ban hành chính sách thuế có tính bao quát lớn nhưng cũng có những nội dung hết sức cụ thể đối với từng lĩnh vực của thị trường bất động sản nói chung, nhà ở nói riêng. Đây là giải pháp mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công trong việc hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản.

Điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, vấn đề quan trọng là đề ra những chính sách có khả năng điều tiết. Làm như vậy, Nhà nước sẽ không phải ban hành những mệnh lệnh hành chính để hạn chế đầu cơ. Giải quyết triệt để tình trạng biệt thự bị bỏ hoang nói riêng, sử dụng lãng phí nguồn lực từ bất động sản nói chung cần có một lộ trình cụ thể và những chính sách mang tính khả thi cao. Với những động thái gần đây của các cơ quan chức năng, hy vọng câu chuyện những ngôi biệt thự bị bỏ hoang đang đi đến hồi kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi kết cho những biệt thự hoang?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.