Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hội chứng Vedan”

Nguyễn Triều| 15/08/2010 05:39

(HNM) - 16 ngày sau khi Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, rằng không thể nói chuyện được với Vedan nên buộc phải khởi kiện, vào ngày 13-8-2010, Vedan đã chấp thuận bồi thường cho nông dân bị thiệt hại do hoạt động gây nguy hại cho môi trường của họ gây ra. Công lý đã được tuân thủ. Nhưng con đường mà hàng vạn nông dân ở mấy tỉnh bị ảnh hưởng do cách làm ăn thiếu trách nhiệm và cả thái độ coi thường pháp luật của Vedan, phải trải qua để đòi được công bằng không hề đơn giản, mặc dù theo luật định, Vedan phải ra tòa, phải bồi thường là điều hiển nhiên.

Giờ đây nhiều người vui mừng vì cuối cùng chân lý đã thắng; những người bị thiệt hại cũng đã có cơ hội đòi được những gì mình phải được. Nhiều người, kể cả trong chính quyền, cơ quan lập pháp, hành pháp..., đều cho rằng đây là một hồi kết có hậu vì cả ba cùng có lợi: Nông dân có lợi vì được bồi thường; chính quyền có lợi vì khẳng định được thể chế; Vedan có lợi vì giữ vững được thị trường, thương hiệu. Và còn một lợi nữa - xã hội có lợi vì từ nay sẽ có tiền lệ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền công dân.

Nông dân Đồng Nai, nơi Vedan đặt các nhà máy chính vẫn tiếp tục khởi kiện vì: Chưa thấy có chỉ đạo của tỉnh; Bản thân tỉnh vẫn lúng túng chưa biết xử lý ra sao vì tự họ đòi mức bồi thường là 120 tỷ đồng trong khi chưa hỏi ý kiến của nông dân.

Vedan tất nhiên không thiệt hại gì vì từ khi phát hiện ra chuyện làm ăn gian dối của họ và nông dân đòi bồi thường tới nay đã gần hai năm, từ đó không hề thấy tính đến lãi suất của số tiền cần bồi thường. Hơn nữa, nếu không có áp lực thật lớn từ dư luận liệu họ còn chây ỳ đến bao giờ, thậm chí khi chính quyền lên tiếng, luật pháp sẵn sàng can thiệp, họ cũng không coi vào đâu. Đó là bài học về tính nghiêm minh của luật pháp, về sức mạnh của chính quyền trong cơ chế thị trường và cách đối phó của doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài với luật pháp sở tại.

Cũng đã từ lâu ở nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã có những bất đồng dẫn đến đình công nhiều ngày nhưng luật của chúng ta chưa đưa ra được những điều khoản xử lý cho phù hợp. Theo nhiều luật gia, nếu Vedan cứ mặc cho nông dân kiện thì vụ kiện sẽ kéo dài nhiều năm, với quy mô rộng vì luật của ta chưa có quy định về kiện tập thể nên mỗi người kiện phải có một bộ hồ sơ riêng. Hàng chục nghìn người kiện là hàng chục nghìn hồ sơ... Không biết sau vụ Vedan này các nhà làm luật sẽ có giải pháp nào nhanh nhất, hiệu quả nhất bảo vệ quyền của người lao động; chủ quyền luật pháp của Việt Nam mà vẫn phù hợp với những luật định chung của quốc tế.

Sự kiện Vedan dẫn đến dư luận nêu câu hỏi:

1. Tại sao cuối cùng Vedan, kể cả khi báo chí, chính quyền lên tiếng mà vẫn nhất định cố tình chây ỳ, rồi nay đành giương cờ trắng? Không khó hiểu. Vì Công ty vẫn được hoạt động bình thường, hàng của họ vẫn bán chạy, các phương tiện thông tin vẫn ra sức quảng cáo "Bột ngọt Vedan". Chỉ khi họ thấy bắt đầu có hiện tượng một số siêu thị tẩy chay họ mới "rút dù". Thực tế trước đó rất lâu nhiều báo đã có ý kiến nên tẩy chay hàng Vedan nhưng không được đáp ứng. Đó là điều lạ. Tại sao chúng ta không sử dụng thứ vũ khí rất mạnh này của người tiêu dùng?

2. Sau Vedan, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra một số doanh nghiệp "giết sông" khác như Tungkuang "giết' sông Ghẹ ở Hải Dương; Miwon "giết" sông Lô ở Phú Thọ... nhưng đến nay nghe chừng vẫn vô can. Tại sao?

3. Nhiều doanh nghiệp khác chây ỳ trong chuyện trả lương, đóng bảo hiểm mà báo chí thường xuyên nêu, liệu có ảnh hưởng bởi hội chứng Vedan?

4. Đã có tiền lệ Vedan, các nhà lập pháp, hành pháp, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương sẽ giải quyết những trường hợp tương tự như thế nào?

Đường đến công lý không dễ dàng, nhưng chúng ta biết cần phải đấu tranh ra sao để đạt được mục đích. Và điều cần nói là từ "vụ" Veđan, có thể khẳng định pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, từ đó mới tránh được "hội chứng Vedan" đang có ở nhiều địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hội chứng Vedan”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.