Mỗi lần Louis Mushrow, 9 tuổi, nghe thấy bài hát nào đó, bé bắt đầu khóc. Nhưng nước mắt của em chẳng liên quan gì đến bài hát buồn, mà là một phản ứng trong hội chứng Smith-Magenis.
Mẹ em, chị Lisa Mushrow, từ Anh, lần đầu tiên nhận ra phản ứng bất thường này khi Louis trào nước mắt lúc nghe quốc ca xứ Wales. "Chắc chắn âm nhạc luôn khiến thằng bé khóc", Mushrow cho biết. "Đặc biệt là nhạc cổ điển hoặc các bài hát nhạc nhẹ về tình yêu. Mọi người đôi khi nghĩ rằng nó khóc vì buồn. Nhưng chúng tôi phát hiện một vài loại nhạc cụ thể đã làm sản sinh ra tất cả những cảm xúc ấy trong não", chị nói trên trang ABC.
Louis Mushrow, 9 tuổi, khóc mỗi lần nghe nhạc, là do hội chứng Smith-Magenis. Ảnh: ABC. |
Hội chứng Smith-Magenis là một dạng rối loạn phát triển có thể dẫn tới sự chậm phát triển về mặt trí tuệ ở mức nhẹ đến trung bình, làm chậm nói hoặc chậm khả năng ngôn ngữ và các trục trặc hành vi. Người mắc hội chứng này có thể phản ứng bằng những cơn giận bộc phát hoặc cáu kỉnh, dù bản tính họ thường là người nồng nhiệt, lôi cuốn.
Cũng theo Viện sức khỏe quốc gia Anh, hội chứng này do bất thường nhiễm sắc thể gây ra và ảnh hưởng đến tỷ lệ khoảng 1 trong số 25.000 người. Các nhà nghiên cứu tin rằng hội chứng này chưa được biết đến rộng rãi, và ước tính 15.000 người trên thế giới mắc phải.
Gia đình Mushrows nhận ra triệu chứng của Louis ngay khi bé chào đời - bé từ chối ăn. Gia đình nhận thấy có điều đặc biệt, đã quyết định đi xét nghiệm gene. Kết quả cho thấy bé mắc hội chứng Smith-Magenis. Ngoài hiện tượng khóc khi nghe nhạc, Louis còn ăn uống rất khó khăn. Cho đến năm 3 tuổi, bé vẫn thường nghẹn khi nuốt. Hậu quả là, bé thường cáu kỉnh trong các bữa ăn, tiếp đến là việc ném bát đũa. Gia đình đã phải giải thích với người xung quanh về tình trạng của em để họ thông cảm cho những cơn bộc phát này.
Hiện không có thuốc chữa với tình trạng của Louis, nhưng gia đình Mushrow hy vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu và việc học tập của cậu bé có thể hoàn tất như các bạn bè khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.