(HNM) - Sáng 17-10, Sở Công Thương Hà Nội khai mạc Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2019 (Hanoi Gift Show 2019), tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia (số 1, Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm).
Đây là sự kiện giao thương ngành Thủ công mỹ nghệ lớn nhất cả nước, do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện.
Tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Hanoi Gift Show 2019 là sự kiện thường niên, uy tín của ngành Thủ công mỹ nghệ, với quy mô 650 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, đón trên 10.000 khách tham quan, giao dịch. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm độc đáo, thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của những nhà chế tác, nghệ nhân, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kết nối kinh doanh, xuất khẩu. Hội chợ diễn ra đến hết ngày 20-10.
* Chiều cùng ngày, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững ngành Thủ công mỹ nghệ với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay hàng thủ công mỹ nghệ nước ta đang bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... Đây là thách thức lớn đối với các nhà quản lý, cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Vì vậy, hội thảo được tổ chức với mục đích để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ sở, doanh nghiệp ngành Thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về những xu thế phát triển, sự biến đổi và những tác động của CPTPP nói chung và nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý, các hội, hiệp hội, các làng nghề nhìn nhận những tác động, từ đó đề ra các giải pháp giúp các làng nghề phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề chính như: Tổng quan và định hướng về CPTPP; CPTPP và sự tác động đối với Việt Nam; đánh giá về mức độ sẵn sàng, cơ hội và thách thức của Việt Nam; hiện trạng ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam trước CPTPP; đề xuất, giải pháp nâng cao chuỗi giá trị của ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong xu thế phát triển CPTPP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.