(HNM) - Sau 5 năm tổ chức thành công, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2019 được tổ chức từ ngày 20 đến 24-11 tại Hà Nội tiếp tục được đổi mới, nâng cao về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại uy tín, thu hút sự tham gia của các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến, người tiêu dùng Thủ đô và du khách nước ngoài. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội.
- Xin bà cho biết Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm nay có những điểm gì nổi bật?
- Sau 5 năm tổ chức thành công, Hội chợ Đặc sản vùng miền không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng; được Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đánh giá là sự kiện xúc tiến thương mại có tính lan tỏa, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản, tiêu biểu của các địa phương trong cả nước đến thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu. Qua đó, thu hút một lượng lớn doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố tham gia.
So với các kỳ tổ chức trước (có 200 gian hàng), hội chợ năm nay có quy mô lên tới gần 300 gian hàng với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đến từ 58 tỉnh, thành phố. Trong đó, các gian hàng của Hà Nội giới thiệu một số đặc sản như: Cốm làng Vòng; giò chả Ước Lễ; nem Phùng; mứt hạt sen trần, kẹo lạc Sơn Tây, chè lam Thạch Thất... Đặc biệt, hội chợ còn thu hút được doanh nghiệp của một số nước như Bulgaria, Indonesia, Lào tham gia quảng bá đặc sản quốc gia.
Không gian gian hàng và trang trí tổng thể hội chợ được dàn dựng thiết kế thể hiện đặc trưng của các vùng, miền Việt Nam. Các sản phẩm trưng bày được lựa chọn bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban Tổ chức cũng khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp…
- Các đơn vị tham gia đánh giá như thế nào về hội chợ này, thưa bà?
- Hội chợ đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu và thu hút đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương. Tính đến năm 2018, có 53 địa phương tham dự, trong đó một số tỉnh, thành phố tổ chức khu gian hàng có quy mô lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế… Kết thúc mỗi kỳ hội chợ, hơn 90% doanh nghiệp mong muốn tiếp tục tham gia kỳ hội chợ tiếp theo.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, giao thương kết nối tiêu thụ hàng hóa, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố còn phối hợp với các nhà phân phối như Aeon, Central Group, Lotte… tổ chức lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để giới thiệu tại các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan; Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp.
Vì vậy, các doanh nghiệp, địa phương đều đánh giá cao vai trò của hội chợ, khẳng định đây là cơ hội quan trọng để quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
- Bà có thể cho biết rõ hơn về những kết quả đã đạt được sau 5 năm hội chợ được UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố chủ trì tổ chức?
- Thành công của hội chợ được ghi nhận thông qua doanh số bán hàng, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tăng trưởng qua mỗi kỳ. Nếu như năm 2015 doanh số bán lẻ đạt khoảng 15 tỷ đồng, thì đến năm 2018 doanh số đạt 70 tỷ đồng. Ngoài ra, có tới gần 300 hợp đồng, biên bản hợp tác cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết.
Hội chợ đã trở thành địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm vào dịp cuối năm; các nhà phân phối, chợ đầu mối... tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa. Số lượng khách hàng đến tham quan, giao dịch, mua sắm tại hội chợ không ngừng tăng lên qua các năm (năm 2018 đạt gần 80.000 lượt khách).
- Theo bà, các doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng thương hiệu, quảng bá, cải tiến mẫu mã sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ?
- Sản phẩm khi mang ra thị trường đòi hỏi phải có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng chứng nhận, bảo hộ. Song, hiện rất ít sản phẩm đặc sản đăng ký, bảo hộ, xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, do doanh nghiệp chưa chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì, quy trình công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường…
Để khắc phục những nhược điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đầu tư hệ thống sản xuất hợp quy chuẩn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, cải tiến chất lượng mẫu mã, bao bì theo từng nhóm đối tượng khách hàng, có tính thẩm mỹ cao.
Trước mắt, nên tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa. Khi đã có kinh nghiệm và xây dựng được mối liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu mới đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.