Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phải giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thế lực thù địch, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống".
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trong buổi làm việc vào chiều 7-8 tại Hà Nội, giữa Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cùng dự buổi làm việc có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; đại diện các cơ quan trung ương, các đơn vị thuộc Học viện.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Thảo đã khái quát kết quả công tác của Học viện từ năm 2016 đến nay. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua được Học viện đổi mới toàn diện, trước hết là thực hiện quản lý hệ thống một cách thống nhất về chương trình, nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá, quản lý học viên.
Cụ thể, Học viện xây dựng tám khung chương trình các lớp bồi dưỡng theo chức danh đáp ứng yêu cầu; hoàn thành xây dựng 14 giáo trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành lý luận chính trị; 24 khung chương trình, đề cương chi tiết giáo trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; ba khung chương trình, đề cương chi tiết, bài giảng bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ các nước: Campuchia, Angola, Mozambique.
Từ đầu năm 2018, Giáo trình cao cấp lý luận chính trị được biên soạn, nghiệm thu đưa vào sử dụng trong toàn Học viện. Giáo trình chú trọng nội dung của Nghị quyết Đại hội XII, lồng ghép việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Học viện đã xuất bản 66/73 tập bài giảng của các trường chính trị, trường bộ, ngành và đưa vào phục vụ giảng dạy, học tập.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô và chất lượng, trong đó các loại hình nhiệm vụ khoa học ngày càng đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Học viện đã triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2016-2020, với 20 đề tài nhánh; tổ chức nghiên cứu năm chương trình cấp bộ trọng điểm, với 58 đề tài nhánh.
Trong công tác cán bộ, Học viện đã quản lý thống nhất công tác cán bộ trong toàn hệ thống và có nhiều cố gắng trong sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đến nay, Học viện Trung tâm đã giải thể, hợp nhất 3 đơn vị cấp vụ; sáp nhập 6 đơn vị dưới cấp vụ trực thuộc Giám đốc Học viện theo hướng xóa bỏ, hợp nhất các phòng, ban; giảm từ 134 phòng, ban xuống còn 16. Các Học viện trực thuộc giảm từ 123 đơn vị xuống còn 112 đơn vị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Viết Thảo cho rằng, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Học viện vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; công tác đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lý luận đã có kết quả nhưng so với vị thế thì chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn.
Học viện đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tập trung; có cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ lý luận.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương giao Học viện chủ trì, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; phối hợp chặt chẽ hơn với Học viện trong tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị có định hướng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: "Thời gian qua, Học viện và Ban Tuyên giáo Trung ương có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Với vai trò định hướng về tư tưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương luôn quan tâm tới công tác nghiên cứu, đào tạo lý luận chính trị của Học viện".
Buổi làm việc là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức Học viện được nghe ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trao đổi những vấn đề mới đặt ra hiện nay trong công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị; trong triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới"; trao đổi cụ thể về những vấn đề phối hợp, nhiệm vụ của hai cơ quan.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương sớm xem xét xây dựng quy chế phối hợp giữa Học viện và Ban Tuyên giáo Trung ương đối với các nhiệm vụ hợp tác, trong đó có khâu tổ chức hội thảo, các lễ kỷ niệm năm sinh, năm mất các lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước…
Đánh giá công tác giáo dục lý luận chính trị trong các trường cao đẳng, đại học và các trường phổ thông là rất quan trọng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương sớm có chỉ đạo thống nhất, định hướng tư tưởng theo phương án: Chỉ đạo là Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng tổ chức xây dựng khung, nội dung biên soạn thì giao cho một đơn vị cụ thể là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao với những nội dung thảo luận tại buổi làm việc. Nêu một số điểm cần phối hợp giữa hai bên, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, sự thống nhất trong công tác phối hợp qua lại giữa hai cơ quan là rất quan trọng, cần thiết. Việc này không chỉ thúc đẩy hai cơ quan hoàn thành nhiệm vụ của mình mà còn góp phần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, hai cơ quan luôn gắn kết, chia sẻ, góp ý lẫn nhau trong phối hợp công việc và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Vấn đề tham mưu, định hướng về công tác lý luận chính trị đến năm 2030; công tác nghiên cứu về các lãnh tụ tiền bối của Đảng, công tác giáo dục lý luận chính trị cho các cán bộ, đảng viên và trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, tiềm năng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên còn rất lớn, do đó, hai bên cần tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo lý luận chính trị; có hướng liên thông từ sơ cấp tới trung cấp và cao cấp, đồng thời, tính toán về nội dung chương trình học.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu Học viện đẩy mạnh nghiên cứu việc áp dụng thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Học viện phải là đơn vị giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thế lực thù địch, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.