Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học thật, thi thật, nhân tài thật

Bắc Vũ| 06/09/2021 06:30

(HNM) - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28-8 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Cần có giải pháp tổng thể giảm bệnh thành tích trong giáo dục để đạt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thu hút nhân tài, “học gắn với hành”, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” từ đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực…”. Trước đó, trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 6-5), người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Lâu nay, “học thật, thi thật, nhân tài thật” là câu chuyện thường được đặt ra để bàn thảo và tìm giải pháp. Trước hết có thể thấy, văn hóa khoa bảng đã “ăn sâu, bén rễ” trong xã hội nước ta có mặt tích cực là tạo nên truyền thống hiếu học cho người Việt Nam, song đây cũng là một phần nguyên nhân tạo nên xu hướng chỉ chú trọng vào thi cử và bằng cấp, học vẹt, học để thi chứ không phải học để biết, học để làm, học để khẳng định mình.

Không những vậy, với không ít người, sự học chỉ qua loa cho có, học chống đối, học cốt để lấy bằng, học xong không thêm được kiến thức gì, rất lãng phí. Có người sở hữu nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị chỉ là hư danh, có bằng cấp cốt làm đẹp hồ sơ…

Đáng lên án, vì háo danh, muốn có “bằng nọ, bằng kia” mà hiện tượng “học giả, bằng thật” trở nên nhức nhối trong xã hội. Từ đây đã sinh ra những “trí thức giả”, mà khi những người này nắm quyền trong tay, giữ những cương vị quan trọng thì dễ dẫn đến tác hại khôn lường cho xã hội. Tất nhiên, những vấn đề nêu trên chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã, đang nỗ lực tạo ra nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Rất nhiều những người thầy thật sự tâm huyết, dốc lòng dốc sức vì học trò. Cũng có biết bao học sinh, sinh viên học thật, năng lực thật và đã thật sự làm rạng danh Tổ quốc.

Nhưng xét cho cùng, dù chỉ là số ít “thực không xứng danh, danh không xứng thực” cũng khiến chúng ta có nhiều suy nghĩ… Rõ ràng, “học thật”, “thi thật” để có “nhân tài thật” đang là một yêu cầu rất cao, là “cuộc cách mạng” cho ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta. Chính vì thế, khi người đứng đầu Chính phủ nêu ra 3 tiêu chí “thật”, thì cũng chính là ba khâu đột phá lớn mà ngành Giáo dục phải giải quyết một cách dứt điểm trong thời gian tới để tạo chuyển biến thực chất trong đào tạo nhân lực cho đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể sử dụng cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Để có được “nhân tài thật”, thì cần phải “học thật” và “thi thật”. Do đó, về tổng thể, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, điều quan trọng trước tiên là tự thân ngành Giáo dục phải hành động, có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, nếp dạy, thói quen đã được định hình bởi quan niệm xã hội từ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung không thiết thực; đồng thời, giúp người học bỏ thói học vẹt, biết đào sâu suy nghĩ, đi vào bản chất. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện, học gắn với hành. Việc kiểm tra, đánh giá phải thực chất, xóa bỏ tình trạng đạo luận án, luận văn…

Phát triển giáo dục toàn diện phải theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng; giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển cho được quan hệ hữu cơ giữa học sinh - nhà trường - giáo viên. Để làm được điều này, có hai yếu tố căn bản là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục; tạo dựng đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và bảo đảm thu nhập xứng đáng, giúp họ yên tâm cống hiến.

Vấn đề thi cử và bằng cấp cũng cần một nhận thức tiến bộ từ mỗi cá nhân đến gia đình và xã hội. Tâm lý “sính” bằng cấp phải được loại bỏ. Thay vào đó, tùy vào vị trí công việc, chọn cho mình một con đường học vấn phù hợp, vừa phát huy được sở trường, năng lực, vừa không lãng phí thời gian, tiền bạc.

Tiếp tục đổi mới toàn diện tư duy giáo dục, phát huy trước hết tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục cho được bệnh phô trương, thành tích và phải “học thật, thi thật, nhân tài thật” là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học thật, thi thật, nhân tài thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.