(HNMO) - Ngày 30-9, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến thăm Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội), làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà trường trong việc tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định, học sinh Hà Nội đã đáp ứng tốt với chương trình, sách giáo khoa mới.
Quyết tâm thực hiện tốt chương trình mới
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, công tác chuẩn bị, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2020-2021 tại Hà Nội được triển khai nghiêm túc. Các địa phương, nhà trường đã trang bị cơ bản đủ trang thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, các trường học trên địa bàn thành phố cũng có khó khăn khác biệt so với nhiều địa phương, đó là quy mô học sinh trong độ tuổi ngày càng tăng dẫn đến hiện tượng một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định tại Điều lệ trường tiểu học.
Huy động tối đa mọi nguồn lực về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lựa chọn những giáo viên tốt nhất để đảm nhận việc dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 là chủ trương của ngành Giáo dục Hà Nội nhằm quyết tâm thực hiện tốt chương trình mới. Điều này được các trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa triển khai nghiêm túc. Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhà trường đều thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Thành Nguyễn Thị Thanh Vân, bày tỏ, dù còn một số khó khăn, song nhà trường quyết tâm khắc phục để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, làm nền tảng để tiếp tục triển khai ở lớp 2 từ năm học 2021-2022.
Không bỏ quên bất cứ một học sinh nào
Theo báo cáo của một số trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa, việc tổ chức dạy - học theo chương trình, sách giáo khoa mới đã cơ bản ổn định, nền nếp, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và tạo hứng thú cho học sinh.
Là một trong những trường có quy mô lớn với 1.700 học sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) Ngô Phi Khanh nhận định, qua 3 tuần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức dạy học đã cơ bản ổn định, nền nếp. Cả giáo viên và học sinh đều hứng thú với các bài học. Yêu cầu quan trọng đối với mỗi giáo viên khi lên lớp là quan tâm đầy đủ tới từng học sinh, giúp các em phát huy tối đa năng lực, sở trường.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ, nhà trường luôn quan tâm đến mục tiêu sau mỗi bài học, học sinh sẽ làm được những gì, ứng dụng được gì vào thực tế hằng ngày. Nội dung này được đưa ra bàn thảo tại các buổi sinh hoạt chuyên môn để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp nhất nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, giúp mọi học sinh đều tiến bộ và đáp ứng tốt nhất với chương trình mới.
Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà trường trên địa bàn thành phố trong việc tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ quy định và bảo đảm chất lượng. Học sinh Hà Nội đã đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.
Thời gian tới, các nhà trường cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng khích lệ sự tiến bộ của học sinh.
“Mỗi giáo viên đều phải có trách nhiệm quan tâm đến mọi học sinh trong lớp trong mỗi giờ dạy, tuyệt đối không bỏ quên bất cứ một học sinh nào, tránh tình trạng “để học sinh tự lớn” và cố gắng dạy cá biệt hóa đối tượng, thường xuyên động viên, có biện pháp kịp thời hỗ trợ học sinh tiến bộ”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.