Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học kiểu "rập khuôn" có tốt?

Thanh Phong| 02/12/2012 07:13

Nhiều em HS đều biết "bí kíp" đạt điểm cao trong các môn học là phải làm bài sao cho càng giống như thầy cô giảng, giống y như trong sách giải, sách văn mẫu. Thực tế, đây là tư duy học tập kiểu "rập khuôn", kém sáng tạo. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em HS và thầy cô giáo về cách học này nhé.

Em Nguyễn Thu Vân (HS lớp 9, Trường THCS Phúc Xá):

- Học thuộc lòng các phương pháp giải trong sách giáo khoa hay sách văn mẫu để làm bài kiểm tra, bài thi là cách học phổ biến ở hầu hết các trường học. Môn nào cũng vậy, cứ "bê" nguyên kiến thức trong sách vào, làm bài thì cứ chép y nguyên, nếu đúng cả… dấu chấm, dấu phẩy thì càng được điểm cao. Em thấy hình như thầy cô giáo cũng đánh giá cao các bạn "chép đúng" vì tinh thần học tập chăm chỉ hơn hẳn các bạn khác. Ngay cả môn văn, các môn xã hội cũng vậy, trước khi kiểm tra một tiết hay cuối kỳ, bọn em sẽ được cho trước hàng loạt câu hỏi. Sau đó, bọn em sẽ soạn đáp án để cô giáo sửa lại cho "chuẩn". Khi có đáp án "chuẩn" do thầy cô hướng dẫn thì bọn em cứ thế học thuộc lại thôi.

Em Hoàng Đức Minh (HS lớp 11, Trường THPT Thăng Long):

- Em thấy đây là phương pháp học tập "cổ truyền" của HS. Những môn học tự nhiên như toán, lý, hóa thì đều phải áp dụng phương pháp giải y hệt trong sách giáo khoa. Nếu tìm được cách giải mới, áp dụng đúng các định lý, định luật mà vẫn cho kết quả đúng, nhiều bạn lại bị thầy cô đánh giá là "làm mò" và cho điểm kém. Đến các môn xã hội như văn, sử còn có các thang điểm chuẩn, phải diễn đạt đúng từng ý lớn, ý nhỏ mới được điểm. Tuy nhiên, em thấy không phải thầy cô nào cũng chấm điểm cao cho những bài "rập khuôn". Có nhiều thầy cô cũng yêu cầu khả năng sáng tạo của HS bằng cách ra đề mới lạ, giúp HS biết cách vận dụng kiến thức trong sách.

Cô Hoàng Kim Thu (Giáo viên dạy lý, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều):

- Nếu các em HS chịu khó học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa hoặc ghi chép cẩn thận không bỏ qua bất kỳ lời giảng nào của giáo viên thì đó là phương pháp học rất tốt. Vì các em đã lĩnh hội những kiến thức cơ bản, đề thi, câu hỏi kiểm tra chủ yếu từ kiến thức này. Tuy nhiên, học thuộc lòng và "chép đúng" ở đây không phải là "rập khuôn" từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy mà phải hiểu và biết cách diễn giải vấn đề. Vì nhiều đề thi, thầy cô giáo sẽ cho một phần câu hỏi hóc búa hơn, phải liên hệ với các kiến thức bên ngoài, kiến thức mở rộng đòi hỏi khả năng hiểu vấn đề sâu sắc.

Bài thi các môn xã hội sẽ có thêm câu hỏi vận dụng khả năng tư duy sáng tạo, bày tỏ cảm nghĩ riêng về một vấn đề nào đó. Nếu làm đúng câu hỏi phụ này, HS mới đạt điểm 9-10, còn "chép đủ" tối đa chỉ được 7-8 điểm. Đây là cách chấm điểm rất công bằng và khuyến khích khả năng sáng tạo của mỗi em HS mà hiện nay nhiều thầy cô giáo đã thực hiện. Do đó, nếu vẫn giữ suy nghĩ phải học "rập khuôn" mới đạt điểm cao thì các em vẫn chỉ dừng lại ở mức "chăm chỉ" chứ chưa thể thành HS giỏi, xuất sắc. Cách học này càng nguy hiểm hơn khi các em học ở cấp THPT và ĐH, vì đây là môi trường học tập đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo, tự học cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học kiểu "rập khuôn" có tốt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.