(HNM) - Năm kế hoạch 2016 sắp khép lại với những kết quả không như mong muốn trong lĩnh vực xuất khẩu.
Kiểm tra xoài xuất khẩu trước khi đưa vào máy xử lý bằng hơi nước nóng. Ảnh: Tiến Mạnh |
Thiếu sức bứt phá
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 11-2016 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, KNXK đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,4 tỷ USD, tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), kể cả dầu thô đạt 114,1 tỷ USD, tăng 8,7%. Những con số trên cho thấy, cả khu vực doanh nghiệp (DN) "nội" và DN có vốn ĐTNN đều tăng trưởng thấp. Riêng DN trong nước chỉ đạt mức tăng trưởng chưa bằng nửa so với mục tiêu kế hoạch (kế hoạch tăng 10%).
Theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến KNXK của Việt Nam cũng như với nhóm hàng điện thoại và linh kiện. Trong tháng 11, KNXK nhóm hàng này đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015. KNXK một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các DN có vốn ĐTNN) tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện, giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Tuy nhiên, KNXK một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô giảm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, dầu thô đạt 2,1 tỷ USD, giảm 39,7%; gạo đạt 2,1 tỷ USD, giảm 20,1%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 892 triệu USD, giảm 25,2%. Xét về cơ cấu thị trường xuất khẩu thì nhìn chung các thị trường khác vẫn giữ được mức tăng; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 15,7 tỷ USD, giảm 6,6%. Điều này cho thấy tình trạng “thắng chợ xa, thua chợ gần” vẫn tiếp tục đeo đẳng DN "nội", chủ yếu do sản phẩm không cạnh tranh được về giá và chất lượng với nhiều loại sản phẩm cùng loại, cùng công dụng của các nước khu vực.
Đặc biệt, đã xảy ra một sự "đổi ngôi" khá thú vị trong nhóm hàng nông sản là KNXK rau quả, nhất là trái cây đã tăng khá mạnh, khi kết quả xuất khẩu gạo lại đang trong xu hướng giảm, giúp tái cân bằng tổng KNXK của các loại hàng thuộc nhóm hàng nông nghiệp, nông sản. Đến nay, trái cây Việt đang vươn ra một số thị trường có sức mua lớn, giàu tiềm năng như Australia, Trung Quốc, Singapore, Canada… thông qua việc đàm phán, ký kết hợp đồng cung cấp trái cây đặc sản như chuối, thanh long, xoài, dưa hấu…
Đâu là nguyên nhân?
Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã có thể kết luận rằng kết quả xuất khẩu của cả năm 2016 sẽ không đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm là tăng 10% so với năm trước. Sự khó khăn, tăng trưởng chậm là diễn biến liên tục trong các tháng từ đầu năm và không xuất hiện bứt phá như mong đợi.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Trước hết, nhu cầu sử dụng nhiều loại nguyên, nhiên liệu của hoạt động sản xuất công nghiệp thế giới vẫn trong giai đoạn trầm lắng, chưa hồi phục. Điển hình như tình hình xuất khẩu dầu thô thường xuyên giảm, lại "neo" ở mức thấp gây thiệt hại trực tiếp cho nhà xuất khẩu. Đây là nguyên nhân bất khả kháng, làm mất đi khoảng 40% giá trị xuất khẩu dầu thô - một thiệt hại không nhỏ của nền kinh tế. Tiếp theo, do mức thu nhập và đời sống nói chung ở các nước EU, Mỹ cũng chưa có sự cải thiện đáng kể nên nhu cầu tiêu dùng cũng không tăng, dẫn đến sự hạn chế về kết quả xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, hầu như năng lực sản xuất của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta gồm: Dệt may, gạo, cà phê, cao su, dầu thô đã được tập trung khai thác đến ngưỡng; khó có thể tăng tốc liên tục hoặc mạnh mẽ như 10 năm về trước. Mặt khác, chủ trương hạn chế khai thác, xuất khẩu một số nhiên liệu chiến lược như than đá, dầu thô để dự trữ, phòng xa cho tương lai cũng bắt đầu được thực thi.
Một nguyên nhân khác khiến mục tiêu không đạt xuất phát từ quan điểm, cách xác định mục tiêu. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc hoạch định, xác định chỉ tiêu kinh tế cần được cân nhắc một cách toàn diện, kỹ lưỡng trên cơ sở đoán định trước những diễn biến liên quan; nhất là về yếu tố khách quan trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cũng không nên “cứng nhắc” trong cách lập kế hoạch khi mong muốn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phải đạt mức 10% như mấy năm gần đây, bởi các nguồn lực cho tăng trưởng không còn nhiều dư địa và có thể biến động khó lường. Do đó, chỉ tiêu kế hoạch của các ngành cần được xây dựng sát thực tiễn hơn; các cơ quan hoạch định chính sách cần có những điều chỉnh, thay đổi về tăng trưởng KNXK để phù hợp hơn trong năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.