(HNM) - Tháng 6-2008, sau khi được xây mới, chợ Hà Đông (quận Hà Đông) chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều băn khoăn chưa được làm rõ, gây bức xúc cho các hộ kinh doanh...
Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định đầu tư xây mới chợ Hà Đông bằng vốn ngân sách của tỉnh (116 tỷ đồng). Khi xây dựng chợ, các hộ tiểu thương được chuyển địa điểm kinh doanh đến chợ tạm, thuộc địa bàn phường Hà Cầu. Tháng 6-2008, chợ Hà Đông chính thức đi vào hoạt động. Để bảo đảm công bằng, tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp ngành hàng và điều kiện, tiêu chí để các hộ tiểu thương được xét gắp thăm quầy hàng kinh doanh tại chợ Hà Đông. Theo Quyết định số 2339 ngày 6-12-2007 của UBND tỉnh, đối tượng được gắp thăm phải là những hộ có giấy phép ĐKKD, đã kinh doanh ở chợ Hà Đông cũ, tại chợ tạm hoặc thuê địa điểm kinh doanh trên địa bàn Hà Đông trong thời gian xây chợ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Về tiêu chí, UBND tỉnh xây dựng dựa trên thời gian các hộ nộp thuế khi kinh doanh ở chợ tạm hoặc các địa điểm khác trên địa bàn, cụ thể: Khi ở chợ Hà Đông, các hộ phải nộp thuế từ 1 tháng trở lên (trong 3 tháng của quý IV-2005) và 1 tháng trở lên (trong 2 tháng đầu năm 2006); khi kinh doanh ở chợ tạm hoặc các địa điểm khác, các hộ phải nộp đủ thuế 7 tháng của 9 tháng còn lại năm 2006 và thuế 6 tháng của 9 tháng đầu năm 2007. Đến tháng 4-2008, UBND tỉnh Hà Tây tiếp tục ra Quyết định số 2743, bổ sung tiêu chí xét gắp thăm quầy hàng, một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, gia đình chính sách cũng được điều chỉnh. Việc xét duyệt các hộ được gắp thăm thực hiện qua 5 lần và kết quả đều được công khai. Tuy nhiên, sau khi xét duyệt lần cuối (hơn 1.280 hộ) vẫn còn 40 hộ không đủ tiêu chí gắp thăm quầy và đều có đơn đề nghị UBND TP Hà Đông (nay là quận Hà Đông) xem xét lại.
Theo phản ánh của nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, hiện vẫn còn những hộ được "phù phép" để có đủ tiêu chí gắp thăm quầy hàng. Điển hình là các quầy: 189 ngành hàng vải, quầy số 365 ngành hàng đồ điện và quầy 175 ngành hàng đồ chơi. Đối chiếu với hồ sơ do Phòng Kinh tế Hà Đông lưu giữ thì các trường hợp trên đều đủ tiêu chí, cụ thể: Chủ quầy 189 hàng vải đủ tiêu chuẩn xét duyệt do là con liệt sỹ; chủ quầy 365, đồ điện có 22 tháng nộp thuế (từ năm 2005 đến 2007) và có bố đẻ là nạn nhân chất độc da cam; quầy 175, hàng đồ chơi cũng có 23 tháng nộp thuế... Song tìm hiểu thực tế qua các tổ trưởng ngành hàng ở chợ, chúng tôi nhận được ý kiến hoàn toàn ngược lại: Ở ngành hàng đồ chơi, các quầy 175, 171, 165 trước đó chưa bao giờ kinh doanh ở chợ Hà Đông (trước tháng 8-2006), nhưng khi chuyển xuống chợ tạm các hộ này đều có quầy...
Ngoài việc chưa minh bạch đã nêu, hiện nay 7 hộ bán hàng nước chè cũng gửi đơn đến các cấp thẩm quyền, đề nghị được can thiệp để bảo vệ quyền lợi vì không được sắp xếp quầy theo kế hoạch ban đầu. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, ngành hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống - giải khát được bố trí ở khu B; khi về chợ mới, các quầy hàng nước chè cũng được gắp thăm kiốt, nhưng thực chất chỉ là những điểm kinh doanh nằm rải rác ở các sảnh, hành lang nên không được các chủ hàng nước đồng ý. Sau khi xem xét, UBND quận Hà Đông trả lời các hộ: Chợ Hà Đông không bố trí quầy kinh doanh hàng nước chè vì trong quy hoạch chỉ có hàng "ăn - giải khát", không có hàng nước chè. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Đấu lại khẳng định: Khi xây dựng chợ, các hàng nước có được quy hoạch, nhưng do thiết kế có một số thay đổi nên diện tích dành cho các quầy bán nước đã không còn. Phải chăng, khi trả lời các hộ dân, UBND quận Hà Đông đã "chơi chữ" nhằm "chữa cháy" việc không bố trí quầy cho 7 hàng nước chè, bởi nếu hàng nước chè bị "xóa sổ" thì khi quy hoạch, xây dựng tiêu chí, đối tượng... UBND tỉnh Hà Tây đã quy định rõ và cũng sẽ không có việc các hộ được gắp thăm kiốt?
Một vấn đề đang gây bức xúc cho nhiều hộ tiểu thương trong thời gian gần đây là việc các hộ phải nộp đồng thời tiền phí chợ và giá thuê địa điểm quầy hàng. Trước đây, chợ Hà Đông áp dụng mức thu phí chợ là 18.000 đồng/m2/tháng, nhưng từ khi về chợ mới, các quầy còn phải trả cả tiền thuê địa điểm với giá trung bình 32.300 đồng/m2/tháng. Tháng 11-2009, UBND quận Hà Đông áp dụng mức thu phí mới với 5 bậc, từ 30.000 đồng/m2 đến 75.000 đồng/m2/tháng... Mức phí này đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng hiện nay mới có khoảng 1/2 số hộ kinh doanh chấp nhận, số hộ còn lại cho rằng việc Nhà nước thu đồng thời cả hai khoản phí trên là chưa hợp lý nên không chịu nộp tiền. Trước sự việc này, UBND quận Hà Đông đã xem xét và cho rằng: Mức thu phí nói trên là đúng quy định của TP Hà Nội và so với các chợ nội thành thì đây là mức hợp lý; riêng một số quầy có vị trí đặc biệt sẽ được tính toán lại để có mức thu phù hợp hơn; còn giá thuê địa điểm hiện đang được các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu, xem xét lại theo hướng dẫn của Sở Tài chính...
Những bất cập nêu trên đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm của quận Hà Đông sớm kiểm tra, làm rõ, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của công dân nhằm mang lại sự công bằng cho các tiểu thương và văn minh thương mại của khu chợ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.