(HNM) - Rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động của năm 2011 diễn ra trên địa bàn Thủ đô đã khép lại, năm 2012 mở ra với nhiều cơ hội mới, thách thức mới đòi hỏi ngành văn hóa phải nỗ lực hết mình chớp lấy cơ hội...
1. Trên bất kỳ diễn đàn nào, di sản văn hóa trên đất Thăng Long luôn được các nhà quản lý, nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Năm 2010, Hà Nội có tới 3 di sản là 82 Bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO vinh danh. Năm 2011, ngành văn hóa Thủ đô tiếp tục tìm cách phát huy giá trị các di sản quý giá này.
Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam |
Trong cuộc hội thảo "Lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội dưới ánh sáng của những khai quật khảo cổ" do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tổ chức vào cuối tháng 9 năm 2011, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam đã giới thiệu những kết quả khảo cổ được phát hiện và khai quật từ năm 2002. Tiếp đó, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Bộ VH,TT&DL cho phép thăm dò khảo cổ học, qua đó các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu tích của các nền móng gạch, móng tường… thời Nguyễn và Lê sơ, cùng nhiều loại hình vật liệu kiến trúc cao cấp, đồ sành, đồ gốm men có niên đại từ thời Lý, Trần cho tới đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã được Viện Khoa học xã hội bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý nhằm tạo sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước đối với một khu di sản lớn. Cùng với di sản Hoàng thành Thăng Long, 82 Bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bảo tồn và phát huy giá trị, đón hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của năm đầu tiên khoác danh hiệu vẫn là lễ hội của nhân dân, do người dân tổ chức, nhưng lượng khách du lịch đến với lễ hội đã tăng gấp đôi, gấp ba lần. Đó là tín hiệu vui của các di sản thế giới ở Hà Nội trong năm 2011.
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị các danh hiệu di sản này đến nay vẫn là bài toán khó. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội khẳng định: Cái khó nhất hiện nay đối với các di sản thế giới là giải quyết hài hòa giữa mâu thuẫn bảo tồn nguyên trạng di sản và phát huy giá trị của di sản theo hướng phát triển du lịch.
Biết là không dễ thực hiện, song đông đảo người dân Thủ đô mong mỏi các cơ quan quản lý sớm đưa ra được phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản sao cho vừa đáp ứng yêu cầu của UNESCO, vừa đem lại lợi ích kinh tế, văn hóa cho cộng đồng. Đây chính là một trong những trách nhiệm nặng nề của ngành văn hóa Hà Nội năm 2012.
2. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tuy là một cuộc vận động nhưng nó có tác động tích cực đến từng cá nhân, từng gia đình, từng ngõ xóm… chỉ tiếc rằng năm 2011, phong trào có biểu hiện thoái trào. Huyện Thanh Oai có 13 làng đăng ký xây dựng làng văn hóa, qua việc bình xét cuối năm không có làng nào đủ tiêu chuẩn. Số tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa của quận Hà Đông cũng chỉ đạt 76,8% chỉ tiêu được giao. Trên bình diện chung, nhiều nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thành phố cũng không đạt chỉ tiêu được giao. Chẳng hạn, chỉ tiêu làng văn hóa được giao là 53,6% nhưng trên thực tế chỉ đạt 53,11%; chỉ tiêu tổ dân phố văn hóa là 66,1%, trên thực tế chỉ đạt 62,2%; chỉ tiêu đơn vị văn hóa là 76,6% nhưng qua thẩm định chỉ có 54,11% số tổ dân phố đạt…
Dự thảo quy chế về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận các mô hình văn hóa thay thế cho Quy chế 3012 năm 2009 về việc bình xét các danh hiệu văn hóa của Hà Nội dự kiến được ban hành đầu năm 2012 lại nới lỏng các tiêu chí, trong đó tiêu chí có người sinh con thứ 3 không bị liệt vào "điểm chết". Thiết nghĩ, trong khi tỷ lệ người sinh con thứ 3 tăng đột biến trong những năm gần đây thì việc nới lỏng các tiêu chí trên có khiến phong trào tăng về chất như mục tiêu của ngành văn hóa không hay vẫn chỉ là thành tích, là số lượng.
3. Không thể phủ nhận sau hơn hai năm quyết liệt tẩy trừ quảng cáo rao vặt trái phép (QCRV), phố phường Hà Nội đã khang trang, sạch sẽ hơn. Năm 2011, ngành văn hóa tiếp tục có những biện pháp mạnh để loại QC bẩn ra khỏi đời sống cộng đồng nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. QCRV vẫn xuất hiện ở các ngõ ngách với những hình thức tinh vi hơn. Trước thực trạng này, bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho hay: Năm 2012, ngành văn hóa Thủ đô sẽ tiếp tục tẩy trừ QCRV trái phép bằng nhiều hình thức, xây dựng kế hoạch chấn chỉnh biển hiệu, biển QC tấm nhỏ.
Năm mới đã đến, hy vọng mỗi người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội hãy tự điều chỉnh mình từ những hành vi nhỏ nhất để cùng với các cơ quan chức năng xây dựng văn hóa Hà Nội phát triển bền vững về mọi mặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.