(HNM) - Thực hiện kế hoạch đối ngoại và xây dựng pháp luật năm 2023, từ ngày 2 đến 3-5 (theo giờ địa phương), Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Vương quốc Hà Lan.
Trong chuyến công tác, đoàn đã làm việc với Phó Tổng Thư ký Tòa trọng tài Thường trực (PCA) Martin Doe. Tại đây, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao hoạt động của PCA, đặc biệt là các phán quyết gần đây của tòa liên quan tới các tranh chấp quốc tế; khẳng định việc ủng hộ và hỗ trợ PCA đặt văn phòng tại Hà Nội thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Lan, đoàn đã làm việc với Tổng Thư ký Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế (HCCH) Christophe Bernasconi; Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ trẻ em thuộc Bộ Tư pháp Hà Lan Mirjam Zeevaart; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
* Chiều 4-5, tại Hải Phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã dự lễ trao Bằng công nhận Trường Chính trị Tô Hiệu (Hải Phòng) đạt chuẩn mức 1 và kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập trường (3/5/1950 - 3/5/2023).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường, cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, sự phối hợp của sở, ngành, góp phần để Trường Chính trị Tô Hiệu sớm đạt chuẩn mức 1. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong rằng, Thành ủy Hải Phòng và nhà trường cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát những tiêu chí để đầu tư, bố trí nguồn lực, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, kỷ luật, kỷ cương, lan tỏa văn hóa trường Đảng…, phấn đấu để Trường Chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025, trước 3 năm so với dự kiến ban đầu....
* Chiều 4-5 (theo giờ địa phương), tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2023 với chủ đề “Phụ nữ: Tạo dựng môi trường mới của sự thay đổi” do UAE đăng cai.
Trước đó, sáng 4-5 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Abu Dhabi của UAE, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tiếp Tổng Giám đốc Thông tấn xã UAE (WAM) Mohamed Jalal Al Rayssi.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng, đánh giá cao việc Thông tấn xã Việt Nam và WAM vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ. Phó Chủ tịch nước mong muốn, Thông tấn xã Việt Nam và WAM sẽ sớm xây dựng và triển khai các chương trình nhằm đạt được kết quả hợp tác thực chất trong thời gian tới...
* Cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo Quy hoạch). Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ nội dung còn nguyên giá trị của Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; đồng thời bổ sung thêm hệ thống chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới, đặc biệt giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2050, nhằm cụ thể hóa một bước các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện lại dự thảo quy hoạch, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định, hoàn thành thủ tục để Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt trong tháng 6-2023.
* Tại trụ sở Chính phủ, chiều 4-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu, Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học - công nghệ để giải quyết thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hóa sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch… Đây là xu thế tất yếu, cơ hội để Việt Nam hội nhập, chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo được ưu thế trên thị trường thương mại tự do.
* Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ngày 4-5 đã chủ trì cuộc làm việc về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (dự thảo nghị định). Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo nghị định cần bảo đảm sự quản lý thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải trong lĩnh vực đăng kiểm bằng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện chung. Từ đó, các đơn vị đăng kiểm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp được phép, có thể tham gia thực hiện đăng kiểm dân sự; bổ sung quy định cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ theo giá thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.