Ngày 28-6, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.
Đại biểu Trung ương dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo… Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo 15 địa phương.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Thể hiện tư duy của Thủ đô, hành động của Hà Nội trong xây dựng "Chính quyền số - Chính quyền phục vụ"
Triển khai Đề án 06, Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6-1-2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.
Sau thời gian nghiên cứu, triển khai, thí điểm, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; thực hiện chi trả an sinh xã hội, chỉ trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) không dùng tiền mặt; triển khai hoá đơn điện tử đối với hộ kinh doanh.
Đồng thời, công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố, trong đó có: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.
Báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bànHà Nội của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai Đề án 06/CP; giữ vững vị thế là địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 06/CP đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.
Đặc biệt, công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã hoàn thành các chỉ tiêu được Bộ Công an giao Công an thành phố.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, phòng cháy chữa cháy; triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thu giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh. Hà Nội đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; thí điểm thanh toán thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính bằng mã QR động…
Với những nhiệm vụ Tổ công tác Chính phủ giao triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố trong năm 2024, gồm: Xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội; Triển khai ứng dụng mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; Thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID..., cơ bản, thành phố đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Đúc rút nhiều kinh nghiệm quý từ thực tiễn triển khai Đề án 06 tại Thủ đô
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng thành phố Hà Nội đã thu được những kết quả quan trọng trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, qua đó phục vụ thiết thực cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm của Hà Nội, Bộ sẽ triển khai tích cực tại các địa phương còn lại trên toàn quốc, để gắn chuyển đổi số với việc triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực y tế; thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng đề án cụ thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số.
Theo Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, là một trong những địa phương được Chính phủ lựa chọn tổ chức triển khai thí điểm Đề án 06 ngay từ những ngày đầu năm 2022, Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật. Cùng với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố..., Thủ đô đã chủ động nhận diện các điểm nghẽn, vướng mắc, chủ động thực hiện các phương án phê duyệt, bổ sung công nghệ thông tin. Đây cũng là một điểm đột phá của thành phố và được Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi các quy định còn chồng lấn.
Bộ trưởng Lương Tam Quang đánh giá cao những cách làm hay, sáng tạo của Hà Nội như việc: HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết với 82 thủ tục hành chính có mức thu bằng 0; 19 mô hình điểm đã đạt được những kết quả tích cực như sổ sức khỏe điện tử; phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế; triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
“Các kết quả trên của Hà Nội đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội của thành phố. Đề án đã mang lại hiệu quả từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội và các đại biểu đã theo dõi thuyết minh về tiện ích của các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phần thuyết minh đặc biệt mô phỏng Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) do người máy "Happy Hà Nội" thực hiện, kết hợp tương tác với người dẫn chương trình tại sự kiện.
Các đại biểu cũng đã thưởng thức màn trình diễn công nghệ laser khắc chữ công bố các Quyết định số 3288/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngày 26-6-2024 về việc vận hành chính thức ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) và Quyết định số 3289/QĐ-UBND về việc vận hành chính thức ứng dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (iCabinet).
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố.
Đi đầu trong phát triển kinh tế số, xã hội số
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số biểu dương những kết quả mà thành phố Hà Nội đã đạt được trong triển khai Đề án 06.
Theo Thủ tướng, một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta 2 năm qua là Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong triển khai Đề án 06 của thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai Đề án 06 với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”; đã kiện toàn và hợp nhất 3 Ban chỉ đạo về Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 thành 1 Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực, nhờ đó công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Hà Nội cũng đã triển khai phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là một giải pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nghẽn, góp phần triển khai nhanh và hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại mà Hà Nội cần sớm tìm giải pháp khắc phục. Đó là tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn thấp (tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử là 12,39%, mức cả nước là 64,38%); còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức; tỷ lệ số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa cao…
Đúc rút 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Nhấn mạnh vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, Hà Nội phải bám sát những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% quy định và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.
Cùng với đó, Hà Nội cần sớm nghiên cứu xây dựng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố; đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Hà Nội thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phấn đấu 100% người dân được cấp Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn Hà Nội….
Nhấn mạnh thời gian qua là chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa dài đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với quyết tâm, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, mang lại nhiều thành công, thắng lợi mới và những lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm, qua đó góp phần đẩy nhanh việc hình thành chính quyền số, xã hội số, công dân số… nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.