Chiều 13-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, lần đầu tiên, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong dự thảo Luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt trong công nghệ mới như AI, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số...
“Đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển”, đại biểu nói và nhận xét, việc luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ giúp tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được an toàn, hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) quan tâm đến nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm (Điều 21). Trong dự thảo Luật quy định, loại trừ trách nhiệm của hai nhóm chủ thể là cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thực hiện.
Theo quy định của dự thảo Luật, các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Góp ý vào khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) đề nghị làm rõ định nghĩa về “rủi ro” trong bối cảnh nghiên cứu KHCN, phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định về nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cũng như quy định thật chặt chẽ để tránh lạm dụng quy định chấp nhận rủi ro, từ đó gây thất thoát, lãng phí trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Thảo luận về Điều 12, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, dự thảo lần này đã thể hiện sự tiếp thu khi có thêm một số quy định về đặt hàng nhiệm vụ khoa học. Tuy nhiên, phần nội dung tại Điều 12 và dự thảo Nghị định kèm theo chưa thể hiện rõ tính bắt buộc và tính định hướng, dẫn đến nguy cơ hình thức trong thực hiện và khó tạo ra chuyển biến thực chất.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp KHCN hằng năm của các bộ, ngành, địa phương phải được dành để đặt hàng các sản phẩm KHCN trong nước. Việc quy định rõ như trên sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay.
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Nghị định kèm theo quy định cụ thể về phương án tài chính đối với hoạt động đặt hàng theo hướng khoán chi để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Về Điều 65, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cho phép trích lập quỹ phát triển KHCN tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược, mức tối đa nên là 20% để tạo dư địa cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có 28 ý kiến phát biểu tại hội trường.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng trao đổi làm rõ một số vấn đề liên quan đến cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; hiệu quả các đề án, các chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển KHCN trong doanh nghiệp, nhà trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.