(HNMO) - Chiều 16-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
“Thổi giá”, “dìm giá”, “bắt tay ngầm” trong đấu giá đất
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) về giải pháp cho tình trạng đấu giá đất “bắt tay ngầm” để tạo sốt ảo, điển hình như vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thực tế không chỉ “thổi giá” mà còn “dìm giá”, dùng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá đất. Việc "thổi giá" đất đã gây nhiều bức xúc, tạo rất nhiều hệ lụy, như thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ đã đánh giá kỹ lưỡng các nguyên nhân. Vấn đề này được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau nên các quy định còn thiếu cụ thể. Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng "quân xanh", "quân đỏ", móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở. Bộ trưởng cho rằng, cần quy định phương pháp, trình tự đấu giá với tài sản là đất đai chặt chẽ hơn, chế tài mạnh hơn với người tham gia đấu giá bằng biện pháp kinh tế để răn đe.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần hoàn thiện quy định theo hướng rút ngắn thời gian trả tiền đất sau khi ký hợp đồng để không đủ thời gian cho đối tượng đảo lộn thị trường, trục lợi; đồng thời, trong quá trình đấu giá, khi đưa giá lên bao nhiêu thì phải có tiền chứng minh thông qua thẩm định trước của các cơ quan nhà nước.
Để ngăn chặn tình trạng thổi giá, đầu cơ đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chính sách kiểm soát các dự án phải khả thi, xác định lộ trình dự án đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phân biệt các phân khúc thị trường, lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở quyết định đầu tư phát triển đô thị chứ không phải lấy mục tiêu là thu được nhiều tiền.
Về ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) nêu quan điểm cần “hình sự hóa” hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng, chỉ cần biện pháp kinh tế để điều chỉnh, trong đó làm sao để cho các đối tượng thấy, nếu thực hiện các hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản thì sẽ không có hiệu quả về kinh tế.
Phát biểu định hướng thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quá trình đấu giá rồi bỏ cọc vừa rồi tại Thủ Thiêm sau khi làm rõ nhận thấy sai phạm dân sự thì xử lý dân sự, sai phạm về hành chính thì xử lý hành chính, còn có sai phạm về hình sự thì xử lý hình sự.
Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cần siết lại bảo đảm công tác đấu giá đất chặt chẽ hơn, như xác định năng lực của nhà đầu tư, tăng tiền đặt cọc, thời gian nộp tiền quy định ngắn hơn, cam kết thực hiện về thực hiện mục tiêu đấu giá, tránh việc để lãng phí đất sau đấu giá.
Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đất đai
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nêu đề xuất của cử tri về việc rà soát, hoàn thiện quy trình đấu giá đất. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt, do đó, cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể. Cùng với đó cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.
Các cơ quan liên quan cần vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương, tăng cường để tổ chức này có quyền chủ động trong việc đề xuất các dự án phát triển quỹ đất, thu hồi đất theo quy hoạch để thực hiện các dự án phát triển quỹ đất tạo mặt bằng đất sạch để chủ động bố trí cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn cung quyền sử dụng đất ra thị trường, nhằm thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường quyền sử dụng đất...
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, pháp luật đấu giá được quy định ở nhiều luật, các lĩnh vực riêng thì được quy định tại luật chuyên ngành. Chế tài xử lý vi phạm về đấu giá có xử lý dân sự, hành chính và hình sự. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, có thể áp dụng hình sự trong đấu giá đất đai với quy định xử lý vi phạm về đầu cơ, nâng giá có dụng ý…
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) về giải pháp khắc phục hiện tượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản chưa được phép mở bán theo luật định nhưng một số doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn thông qua ký kết các loại hợp đồng như hợp đồng hứa mua, hứa bán, hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các hợp đồng hứa mua, hứa bán chính là đang lách Luật Đất đai. Vấn đề rủi ro ở đây là sẽ có những nhà đầu tư không thật, làm những “dự án ma” không có quy hoạch, không có phê duyệt, đất chưa chuyển mục đích, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa hoàn thành các nghĩa vụ khác thì đã muốn đưa ra thị trường để thu hút nguồn vốn.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch. Còn việc thu hút đầu tư sau khi biết chắc chắn là sẽ không có rủi ro, dự án là có thật thì những thỏa thuận mang tính chất thỏa thuận dân sự hoàn toàn có thể. Nghiên cứu trong Bộ luật Dân sự để quy định khi có những loại giao dịch thế này thì cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần phải công khai và công bố những gì, trách nhiệm đến đâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.