Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí

Võ Lâm| 05/10/2011 06:40

(HNM) - Hôm qua 4-10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ TP tiếp tục ngày làm việc thứ hai dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các Phó Bí thư Nguyễn Công Soái, Nguyễn Thế Thảo, Ngô Thị Doãn Thanh, Tưởng Phi Chiến.


Hội nghị đã xem xét, thảo luận hai dự thảo chương trình công tác lớn: Chương trình đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015 và Chương trình phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị với các đại biểu dự hội nghị.     Ảnh: Thái Hiền

Nhận thức sâu sắc, hành động quyết liệt

Tại phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, hội nghị đã thảo luận về dự thảo chương trình đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015. Nhiều ý kiến đã làm rõ hơn thực trạng tham nhũng, lãng phí, đồng thời bổ sung làm sâu sắc hơn các giải pháp cần thiết để tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Các đại biểu cho rằng, chương trình cần làm đậm thêm nội dung về "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí". Vì tính chất nguy hại của lãng phí không thua kém gì tham nhũng. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định "Lãng phí hiện nay rất phổ biến, từ trong gia đình đến các cơ quan, đơn vị. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất cũng rất lãng phí, không biết tận dụng như ngày xưa". Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt, có nhiều thứ lãng phí rất lớn, nhưng chưa tính được, nhất là lãng phí trong sử dụng đất đai. Ông cho rằng, tham nhũng có thể dễ nhận diện hơn, nhưng lãng phí thì "muôn hình vạn trạng" nên cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Theo các đại biểu, cần làm rõ vấn đề nhận thức trong các cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thạch phân tích rằng, cán bộ, đảng viên đều nhận thức đúng về tham nhũng, lãng phí, nhưng chưa gắn với trách nhiệm bản thân và đơn vị mình, cứ nghĩ đó là vấn đề của người khác, của cơ quan khác.

Về các giải pháp thực hiện, các đại biểu cho rằng, biện pháp phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Muốn phòng ngừa thành công, TP phải chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sao cho các quy định ngày càng chặt chẽ, cụ thể và công khai minh bạch hơn. Trong công khai, minh bạch thì kê khai tài sản cá nhân, gia đình cán bộ, công chức là nội dung rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần thiết không kém là xây dựng các cơ chế bảo vệ và khen thưởng người tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều kiện cần thiết để nhân dân có thể làm "tai mắt" phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, cần cụ thể hóa khen thưởng ở từng lĩnh vực và nên thưởng lớn để khuyến khích.

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, UBND TP đang bổ sung, chỉnh sửa các quy định về đầu tư, xây dựng trên địa bàn theo đúng tinh thần và giải pháp của chương trình này với mục đích tăng cường hiệu lực quản lý, quản lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí. Hiện nay, Thành ủy cũng đang triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra một số cấp ủy cơ sở, trong đó ưu tiên cho mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tạo chuyển biến căn bản về văn hóa, giao tiếp người Hà Nội

Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến, hội nghị thảo luận về Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015. Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung mang tính thời sự được đề cập trong chương trình.

Nhiều đại biểu đưa ra các dẫn chứng cho tình trạng thiếu địa điểm vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho thanh, thiếu niên, cho cộng đồng đang rất phổ biến. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho biết, cả huyện Sóc Sơn chưa có nổi một vườn hoa (chứ chưa nói đến công viên), chưa có được một bể bơi để các cháu học bơi… Bí thư Thành đoàn Ngọ Duy Hiểu đề xuất, không nhất thiết phải xây dựng các công trình quy mô, nhưng TP nên có chủ trương để hình thành những khoảng không gian dù là nhỏ để phục vụ nhu cầu vui chơi lành mạnh của thanh, thiếu niên.

Vấn đề giáo dục - đào tạo cũng được nhiều đại biểu xới lên với những chủ đề như làm sao để mỗi quận, huyện không chỉ đầy đủ trường học cần thiết, mà đều có những trường học có chất lượng cao. Các ý kiến đều thống nhất nhận định, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội phải chăm lo giáo dục - đào tạo từ các bậc học thấp nhất, song song với việc tạo điều kiện hình thành xã hội học tập. Đồng thời, tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ, công nhân viên chức, lao động, nhất là người tài phát huy khả năng, cống hiến.

Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhiều đại biểu đồng tình với yêu cầu phải thiết lập chế tài mạnh để điều chỉnh hành vi, kết hợp với việc tuyên truyền, vận động. Trong đó, cần phổ biến nhiều hơn các tài liệu nghiên cứu, tổng kết mang tính định hướng về vấn đề này, nhất là cần làm rõ các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh để mọi người dễ tiếp thu và làm theo. Ngoài ra cần tăng cường đưa giáo dục về nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội vào các loại hình trường học. Các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với những điểm nhấn trong mục tiêu của chương trình như tạo chuyển biến căn bản trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở và giao tiếp nơi công cộng; mỗi người dân Thủ đô là một công dân tiêu biểu. Nhưng tiếp tục nhấn mạnh tính đồng bộ của các giải pháp, đặc biệt là về chế tài, tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Hôm nay 5-10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ bế mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.