Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện cơ chế cho tự chủ bệnh viện

Bắc Vũ| 12/09/2022 06:35

(HNM) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19-5-2019 về thí điểm tự chủ đối với 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, mới đây, thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin tạm dừng tự chủ toàn diện vì nhiều khó khăn nội tại nảy sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Những vấn đề cụ thể đặt ra ở các cơ sở y tế này là dù thực hiện tự chủ tài chính toàn diện nhưng bệnh viện không được tự quyết về giá dịch vụ y tế mà vẫn phải theo khung giá quy định chung nên dẫn đến tình trạng không được tính đúng, tính đủ; khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành...

Một vấn đề nữa là theo quy định, bệnh viện được đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng vấn đề là khó tìm nguồn vốn đầu tư. Trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa mua thêm được hệ thống máy móc trong chẩn đoán và điều trị. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh liên kết tại bệnh viện đang dừng hoạt động… Chưa kể, các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm cũng dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Đáng nói, các bệnh viện tự chủ tài chính cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu thí điểm cùng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Nguồn thu sụt giảm cộng với các cơ chế, chính sách không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ, dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám" trong ngành y.

Thực tế, việc tự chủ có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khám, chữa bệnh. Với thực tế đang xảy ra ở các bệnh viện thí điểm tự chủ, cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Y tế cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc, từ đó có đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền trong lĩnh vực này.

Trong trường hợp, các bệnh viện đang thí điểm tự chủ muốn chuyển đổi mô hình sang thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cho nhóm 2 - đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, cũng cần có đánh giá tính phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh khám, chữa bệnh của cơ sở y tế. Cụ thể là nếu tiếp tục thực hiện tự chủ thì có những vướng mắc gì, nếu chuyển hướng thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì có ưu điểm gì, các hướng dẫn cần có chi tiết như nào… Qua đó, nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ; nếu đơn vị nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; còn không làm được thì phải dừng lại.

Nhìn một cách toàn diện, tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định phù hợp, đúng quy định pháp luật. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liên quan là rất cấp thiết, bảo đảm việc tự chủ bệnh viện theo sát thực tiễn của công tác khám, chữa bệnh hiện nay. Trong đó, những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là đấu thầu thuốc, tự chủ nhân lực, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và chế độ đãi ngộ với y bác sĩ…

Tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, mà mấu chốt cuối cùng là phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ chế cho tự chủ bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.