(HNM) - Đêm 30-1, Hà Nội lạnh buốt. Gần 200 công nhân và Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vẫn hối hả cho phần việc cuối cùng của Dự án nạo vét hồ Hoàn Kiếm.
Công nhân Xí nghiệp Cơ giới đang hoàn thành những phần việc cuối cùng của việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm. |
Đêm 30-1, tại khu vực đền Ngọc Sơn, hướng ánh mắt về phía 2 máy xúc đang hối hả làm việc gần cầu Thê Húc, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai (từ 29-11-2017), đến nay Dự án nạo vét hồ Hoàn Kiếm về cơ bản đã hoàn thành, tổng số bùn được nạo vét đạt 95% (khoảng 57.000m3).
“Dự kiến trong tuần này là hoàn tất mọi công việc, kể cả dọn dẹp trang thiết bị. Mặc dù, những ngày này, thời tiết Hà Nội lạnh sâu, về đêm chỉ còn 8-9 độ C, nhưng toàn bộ anh em công nhân, 100% phương tiện, lực lượng của Xí nghiệp Cơ giới đã được huy động, tập trung cho những phần việc cuối cùng, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng" - Ông Sương nói.
Trước đó, theo khảo sát, nước hồ Hoàn Kiếm bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Hồ mất khả năng tự làm sạch, cá và động, thực vật chưa được bảo vệ đúng mức khiến chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm. Cùng với đó, lớp đất sét đáy hồ rất dày nên trong hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Hơn nữa, lớp bùn lắng ngày càng dày, chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật...
Việc nạo vét quy mô lớn lần này, theo ông Sương, các thông số về nguồn nước sẽ bảo đảm đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc nạo vét được tiến hành bài bản, cân nhắc từng khía cạnh để không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ và gìn giữ từng viên gạch, bờ kè, cây xanh, thảm cỏ bên hồ.
Cụ thể, đơn vị thi công đã phân 3 vùng (với khoảng 32.500m2 mỗi vùng) và triển khai nạo vét trong thời gian dài, giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái có thể thích nghi dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ. Tất cả các hoạt động nạo vét được diễn ra trong ranh giới vùng thi công. Hệ thủy sinh đã được dồn vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 Nguyễn Ngọc Cương chia sẻ thêm, trước khi tiến hành nạo vét, công ty đã mời các nhà khoa học phối hợp để bảo đảm cho việc giữ lại hệ thủy sinh, màu đặc hữu của nước hồ. Cụ thể, do màu của tảo lục tạo nên màu xanh nước hồ nên công ty đã lưu giữ nguồn gen để sau khi thi công sẽ cấy trả lại màu xanh cho nước hồ. Quá trình thi công, mực nước hồ được giữ nguyên.
Biện pháp thi công là sử dụng dây chuyền, gồm máy xúc đặt trên ponton, xúc bùn lên phễu chứa và dùng máy bơm công suất 40-60m3/giờ bơm lên xe stec qua hệ thống ống dẫn nằm trên hệ phao nổi. Trung bình mỗi đêm, các đơn vị vận chuyển được khoảng 1.500m3 bùn, đất. Quá trình thi công, các đơn vị đều có kiểm tra chéo nhau, đồng thời đơn vị giám sát rà soát, chỗ nào còn sót là xử lý ngay...
Đến nay, công việc nạo vét đã bước vào những phần việc cuối cùng. Theo ông Sương, sau khi nạo vét khoảng 3 đến 4 tháng, công ty sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C. Công ty cũng dự kiến dùng nước giếng khoan để cấp cho hồ Hoàn Kiếm vì nguồn nước ngầm quanh hồ rất tốt, hàm lượng sắt thấp nên có thể bổ cập nước cho hồ.
Do thi công theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu sạch tới đó nên đối với những khu vực đã hoàn thành phía các tuyến phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng... du khách khó tính nhất cũng không thể phát hiện đơn vị thi công đang nạo vét lòng hồ.
Hiện tại, hồ Hoàn Kiếm đang được trang hoàng để chào đón năm mới 2018. Những thảm hoa, cây xanh, khẩu hiệu, đèn trang trí với dòng chữ "Chúc mừng năm mới 2018", "Mừng Đảng, mừng Xuân"... đã mang lại sắc xuân mới cho thành phố. Cùng với đó, mặt nước hồ trong lành, xanh trở lại đã và đang tạo thêm sức hút mới cho du khách trong và ngoài nước khi tới thăm Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.