Nông nghiệp - Nông thôn

Hoài Đức bứt phá, hướng tới mục tiêu quận “Xanh - Văn minh - Hiện đại”

Nguyễn Hoàng Trường 13/10/2024 - 06:29

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao đã thực sự thay đổi cuộc sống của người dân huyện Hoài Đức.

Với sự tập trung cao độ, đến hết năm 2023, Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, đạt 27/31 tiêu chí quận, 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng.

hoai-duc.jpg
Hoài Đức hôm nay.

Hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao

Hoài Đức là huyện có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ phía Tây Hà Nội, được quy hoạch trở thành đô thị trung tâm mới của Thủ đô trong tương lai. Sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, quán triệt chỉ đạo của trung ương trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hoài Đức quyết liệt thực hiện song hành 2 nhiệm vụ: Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với Đề án xây dựng huyện thành quận.

Huyện xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với hoàn thành các tiêu chí quận chỉ được đẩy nhanh, đẩy mạnh khi tư tưởng, nhận thức của nhân dân thông suốt. Do đó, công tác thông tin tuyên truyền được huyện chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Đồng thời, huyện thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, kịp thời hỗ trợ các địa phương, khen thưởng các nhân tố điển hình... Từ đó, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị rộng khắp trên địa bàn huyện, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự tham gia của cả cộng đồng, người dân trong vai trò chủ thể, đồng tâm hợp sức xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Đến hết năm 2023, Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 84,2%; 3/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỉ lệ 15,7%; hoàn thành 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Huyện đạt 27/31 tiêu chí quận; 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện hiện được 31.260 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 12,12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó giá trị thương mại - dịch vụ chiếm 57,25%; công nghiệp - xây dựng 39,12% và nông nghiệp 3,65%. Năm 2023, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 78,34 triệu đồng/người. Huyện duy trì không còn hộ nghèo từ năm 2020 đến nay và nỗ lực xóa hộ cận nghèo trong năm 2024.

Đây là minh chứng cho thấy sự nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm chính trị cao của huyện Hoài Đức trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao là tiền đề, động lực vững chắc để Hoài Đức hoàn thành các tiêu chí còn thiếu trên hành trình trở thành quận.

Hoàn thành những mục tiêu mới

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Hoài Đức lấy nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở cho sự ổn định và phát triển; công nghiệp, thương mại - dịch vụ làm mũi nhọn. Đến nay, toàn huyện có 18 siêu thị, 14 chợ hạng 3, hệ thống cửa hàng chuyên doanh, tiện lợi, tạp hóa phân bố ở khắp huyện; hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập. Toàn huyện hiện có 72,87ha các loại rau và cây ăn quả được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 78,12ha sản xuất rau an toàn, cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể; 1 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý; có 114 sản phẩm đa dạng các chủng loại được đánh giá phân hạng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3 sao trở lên. Huyện đầu tư xây dựng 5 điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP...

Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Hoài Đức tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; có cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư và phát triển mới doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 9 cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả, nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người lao động. Để tạo nội lực bền vững trong xây dựng nông thôn mới, Hoài Đức chú trọng đầu tư, giữ gìn, phát triển 54 làng nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống. Doanh thu tại các làng nghề chiếm gần 40% tổng giá trị ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện. Tại các làng nghề hiện có gần 400 doanh nghiệp và hơn 7.900 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 44.000 lao động trong và ngoài địa phương.

Xác định việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2019, huyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông nông thôn. Qua đó, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đạt chuẩn 100% theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia. Giai đoạn 2019 - 2023, huyện tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các tuyến giao thông nông thôn. Đến nay, tại 19 xã, có 774,51km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí giao thông. Huyện cũng đối ứng đầu tư mở mới nhiều tuyến đường liên khu vực, đường trục huyện, như đường LK1, LK6, LK8, ĐH 03, ĐH 04, ĐH 06 để kết nối giữa các khu vực của huyện và các địa phương lân cận, đồng bộ các tuyến đường có hành lang cho người đi bộ, các tuyến đường, trục đường đều được trồng cây xanh, có các hạng mục phụ trợ.

Song song với phát triển kinh tế, các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn. Trên địa bàn huyện có một trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện; 100% các xã, thị trấn đã và đang được đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa xã; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi vườn hoa, sân chơi công cộng, đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư...

Cùng với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường được huyện đặc biệt chú trọng, dành nhiều kinh phí đầu tư. Huyện đang triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức quy mô 500 giường, đáp ứng tiêu chí quận. 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 95,5%; 20/20 xã, thị trấn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và số hộ gia đình đã thực hiện phân loại chất thải rắn đạt 84,9%; tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung đạt 100%...

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới được coi là bản lề, đòn bẩy để Hoài Đức phát triển đô thị và trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.

Nhìn lại chặng đường triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức càng thêm tự hào về những nỗ lực đưa huyện trở thành một trong những địa phương đi đầu của thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tiếp nối những thành quả đã đạt được, tận dụng mọi lợi thế vốn có cùng tư duy đột phá, hành động quyết liệt, Hoài Đức ngày hôm nay tiếp tục nỗ lực đoàn kết, sáng tạo với khát vọng phát triển mạnh mẽ để chinh phục mục tiêu phía trước: Hướng tới trở thành quận “Xanh - Văn minh - Hiện đại”.

Nguyễn Hoàng Trường
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức bứt phá, hướng tới mục tiêu quận “Xanh - Văn minh - Hiện đại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.