10 ngày đầu tiên vận hành mô hình mới, xã Phú Nghĩa đã giải quyết gần 1.100 hồ sơ hành chính. Dù khối lượng công việc tăng gấp nhiều lần, nhưng người dân đến xã vẫn được đón tiếp niềm nở, hướng dẫn tận tình và ra về với sự hài lòng hiện rõ trên gương mặt.
Sau khi sáp nhập, xã Phú Nghĩa có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần. Điều đó đồng nghĩa với lượng hồ sơ hành chính cũng tăng theo cấp số nhân. Chỉ trong 10 ngày đầu tiên (từ ngày 1 đến ngày 10-7), Điểm phục vụ hành chính công của xã đã tiếp nhận và xử lý tới 1.086 hồ sơ, một con số cho thấy khối lượng công việc “khổng lồ” so với trước kia.
Nhưng điều khiến nhiều người ngạc nhiên là..., không khí tại xã lại nền nếp, khẩn trương và thân thiện hơn hẳn. Cán bộ không chỉ làm đúng, làm nhanh, mà còn tận tình hướng dẫn từng trường hợp, nhất là với người già, người không biết sử dụng công nghệ.
Ông Đỗ Quang Sơn (79 tuổi, thôn Trung Cao) xúc động nói: “Tôi đi làm thủ tục trợ cấp hưu trí xã hội, được cán bộ tiếp đón niềm nở, hướng dẫn kỹ càng. Nhân dân ở đây phấn khởi lắm”.
Bà Nguyễn Thị Tươi (62 tuổi, thôn Đồi Hai) không giấu được sự cảm kích: “Tôi không có điện thoại thông minh, cũng không biết dùng mạng. Nếu không có cán bộ, Đoàn thanh niên hỗ trợ thì không biết bao giờ mới xong thủ tục. Bộ máy này thực sự vì dân phục vụ”.
Ở góc làm việc khác, chị Nguyễn Thị Yến, viên chức tư pháp - hộ tịch, liên tục nhận, rà soát và trả kết quả hồ sơ. Chị nói nhanh: “Trước đây mỗi ngày xử lý chưa tới hai chục bộ hồ sơ. Nay gấp 5 lần! Nhưng chúng tôi luôn cố gắng để không ai phải đi lại nhiều”.
Không chỉ tăng tốc xử lý hồ sơ, xã Phú Nghĩa còn cho thấy một tư duy tổ chức mới: Chủ động, linh hoạt, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Ngay sau ngày thành lập, xã đã cải tạo phòng làm việc, lắp máy tính, điều hòa, bố trí ghế ngồi chờ cho người dân. Mỗi ngày, 12 đoàn viên, thanh niên được huy động để hỗ trợ, từ lấy số thứ tự, hướng dẫn viết tờ khai, đến thao tác trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, Bí thư Đoàn xã Phú Nghĩa cho biết: “Có ngày chúng tôi hỗ trợ hơn 100 lượt người. Mỗi người dân đến đều được chỉ dẫn tận tình, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, phụ trách Điểm phục vụ hành chính công xã Phú Nghĩa Nguyễn Thị Phượng thông tin: “Cán bộ phải làm gấp đôi, gấp ba nhưng không ai kêu ca. Mọi người xác định rõ: Đây là lúc thể hiện tinh thần phục vụ thực chất”.
Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Nguyễn Đình Sỹ nhấn mạnh: “Ngay từ đầu, chúng tôi xác định việc phục vụ người dân là nhiệm vụ ưu tiên số một. Dù mô hình mới, địa bàn rộng, chúng tôi không để xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào”.
Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Nguyễn Đình Sỹ cho rằng, việc sáp nhập giúp tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm ngân sách. Quan trọng hơn, nó mở ra cơ hội nâng cao chất lượng phục vụ thông qua cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ và thay đổi tác phong làm việc.
Xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đúng về mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Không chỉ qua mạng truyền thanh, mà còn là các fanpage của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao xã, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu giúp người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực của chính quyền địa phương hai cấp, từ đó tích cực đồng hành cùng chính quyền.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, lãnh đạo xã cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn như thiếu trang thiết bị, hạ tầng chưa đồng bộ. Từ nay đến năm 2026, xã Phú Nghĩa tiếp tục rà soát, huy động nguồn lực đầu tư cải tạo Điểm phục vụ hành chính công theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.