(HNM) - Tết đã đến, hoa, cây cảnh từ các nơi đã nhộn nhịp đổ về thành phố. Các nhà vườn ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An… nơi cung cấp hoa, cây cảnh cho phía Nam và cả nước, đang tất bật tranh thủ hai ngày cuối cùng của năm.
Năm nay, trong khi thời tiết phía Bắc rét đậm khiến đào chậm nở thì thời tiết phía Nam khá thuận lợi nên các nhà vườn đang mong ước một mùa hoa được mùa, được giá để cái tết thêm đầy đặn, vui vầy.
Tết sớm đến nhà vườn
Đêm Mỹ Phong - ngoại thành của TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) những ngày cuối năm sáng rực ánh đèn với những chiếc xe tải đậu dài theo quốc lộ 50 chờ mang hoa đi các tỉnh. So với thị thành, cái tết của người trồng hoa đến sớm hơn với những dải đồng hoa dài tít tắp đủ màu sắc và nhộn nhịp người tất bật chăm sóc, mua bán hoa.
Chăm sóc hoa ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, (tỉnh Tiền Giang). |
Xã Mỹ Phong là nơi trồng hoa nhiều nhất của tỉnh Tiền Giang. Hoa ở đây mang đậm màu của tết dân dã với những vạn thọ, cúc vàng rực; thược dược, mào gà đỏ tươi… Trên các cánh đồng hoa, nhiều nhất là cúc mâm xôi lấm tấm nụ vàng. "Cúc mâm xôi có màu sắc, hình dáng đẹp. Hoa nở vàng rực, tròn đầy khiến năm mới như phồn thịnh hơn. Hơn nữa, thời gian nở rất lâu, lại khỏe chịu đựng nên không chỉ thích hợp với miền Nam mà còn chịu đựng rất tốt thời tiết khắc nghiệt miền Trung và phía Bắc", anh Mười Công (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong), người đang trồng 10 hécta hoa cho biết. Theo các nhà vườn ở đây, năm nay hoa nở đúng Tết nhưng không đẹp bằng năm ngoái do thời tiết mưa nhiều, ít nắng. Cũng vì vậy mà giá không cao hơn năm ngoái. Cúc mâm xôi tại nhà vườn vẫn chỉ 55.000-60.000 đồng/cặp; cúc đất, cúc hòe 40.000 - 50.000 đồng/cặp. Với mức giá này người trồng hoa không lãi bằng mọi năm vì giá nhân công, vật tư năm nay tăng 30-40%. Tuy nhiên, anh Công vẫn tính toán lợi nhuận sẽ được khoảng 50% so với chi phí bỏ ra. Vườn hoa của anh đã được thương lái đặt mua 70%. Số còn lại, anh dự tính tiêu thụ nốt trong những ngày cuối do khu vực phía Bắc mất mùa hoa vì rét đậm. Cũng cho rằng hoa năm nay không được giá, nhưng ông Võ Văn Bảy (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chuyên trồng hoa vạn thọ Pháp vẫn khẳng định chắc nịch là hoa mang hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất là 5 lần so với trồng lúa. 1 công đất (1.000m2) ông trồng hoa vạn thọ mang lại lợi nhuận nhiều hơn 5 công trồng lúa cả năm. "Nếu bán tại nhà vườn cho thương lái, lợi nhuận ít hơn nhưng rủi ro cũng ít hơn, người trồng hoa sẽ không bị lỗ", anh Mười Công khẳng định.
Cũng như hoa đào ở miền Bắc, Tết miền Nam không thể thiếu hoa mai. Năm nay, riêng làng hoa Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã cung cấp cho thị trường hơn 1,2 triệu gốc mai. Ở địa phương này, rất dễ nhận thấy "tấc đất tấc vàng" khi mọi diện tích đều được tận dụng để trồng hoa. Người dân tranh thủ trồng từng gốc cây, chậu kiểng ở bất cứ nơi nào mà có thể đặt gốc được. Đi trên quốc lộ 57, cảm nhận hương hoa ở rất gần, tay như chạm được vào hoa khi mảnh đất ít ỏi giữa hàng rào vườn và lộ giới đường bên ngoài cũng được tận dụng để đặt các chậu hoa.
"Thời tiết năm nay hơi căng do lạnh nhiều và mưa kéo dài", anh Hai Đức ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung (huyện Chợ Lách) tất bật chăm sóc những gốc mai đã bắt đầu lốm đốm nụ cho biết. Mới gần một tháng trước, anh đã phải bỏ lại gần 1/3 vườn mai khi cơn mưa trái mùa khiến mai rụng lá. Anh Đức tập trung đầu tư cho mai 3 tấc bởi loại hoa nhỏ này rất dễ bán, thương lái mua tại vườn từ 80.000-150.000 đồng/chậu, người mua chuộng vì giá mềm, lại dễ để trong nhà. Nhà vườn này cũng có khoảng 400 gốc mai cao 1,2m, có giá từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/chậu. So với năm trước, giá mai cao hơn khoảng 20% nhưng không lãi bằng vì chi phí đầu vào lên quá cao: phân bón tăng gấp đôi từ 10.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg; dây nhôm từ 45.000 lên 57.000 đồng…
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết, huyện này đang cung cấp ra thị trường gần 4 triệu chậu cây cảnh các loại. Cùng khoe sắc với các loại hoa tết truyền thống còn có hoa dạ yên thảo, kiết tường, cúc Đài Loan... Còn ông Đặng Văn Sai, Trưởng phòng Kinh tế TP Mỹ Tho cũng cho biết, năm nay làng hoa ngoại thành Mỹ Tho trồng đến gần 20 loại hoa, cung ứng gần 750.000 giỏ hoa các loại, trong đó có những giống mới du nhập và phát triển gần đây như vàng hòe, cẩm tú cầu, trọng năng, cúc Hà Lan...
Mang sắc xuân về phố
Tất bật chuẩn bị xe để đưa những cây tắc đã lúc lỉu trái tròn căng, vàng rực lên TP Hồ Chí Minh, anh Tư Nhuận (xã Hưng Khánh Trung). Năm nào cũng vậy, ba anh em trong nhà cũng hùn lại mướn xe, thuê tài xế chở lên TP Hồ Chí Minh bán để mong được giá cao hơn. Bắt đầu "hành quân" vào ngày 25 tháng Chạp, khi học sinh được nghỉ Tết thì hoa của anh cũng được bày tại Trường Mẫu giáo Hoa Sen (đường Hoàng Văn Thụ). Ngay từ tháng 10, anh đã phải qua tận Bến Tre để thuê 3 chiếc xe tải 10 tấn với giá 5 triệu đồng/chiếc. Từ khi cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và những cây cầu nhỏ khác được xây dựng thì đường sá đi lại rất thuận tiện. Trước kia, một chuyến ghe lên TP phải tốn đến 10 tiếng đồng hồ, vừa tốn thời gian, vừa khó bảo quản được hoa. Nếu đi ghe, buổi chiều 6 giờ hoa đã phải lên đường, qua hai phà Rạch Miễu và Hàm Luông mất mấy tiếng đồng hồ nên đến TP Hồ Chí Minh cũng phải gần sáng. Rồi phải qua bến, rồi bốc vác, rồi vận chuyển đến điểm bán khiến giá thành hoa đội lên khá cao mà hoa cũng mất bớt đi vẻ đẹp. Nay đi xe thuận lợi thì khoảng 9 giờ tối mới lên xe, chạy thẳng tới chỗ bán ở TP cũng chỉ 1-2 giờ sáng, vừa thuận tiện lại đỡ tốn kém.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà vườn đều lựa chọn tự thuê xe mang hoa về phố như anh Tư Nhuận vì lời cao nhưng rủi ro cũng cao. Vì vậy nên dọc quốc lộ 57 này, xe thương lái từ các nơi đang đổ về, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và cả các tỉnh phía Bắc. Anh Tư Liêm, có bãi đậu xe cho thuê ở chân cầu dốc Cái Mơn nhỏ (ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành, huyện Cái Mơn) cho biết, từ ngày 18 tháng Chạp trở lên các xe muốn vào bãi đậu thì phải dặn trước ít nhất là 10 ngày mới sắp xếp được.
Nghề hoa vốn lắm công phu. Để những cây hoa nở đúng vào dịp Tết không chỉ nhờ vào công chăm bón, tưới nước, cắt cành đúng kỹ thuật mà còn nhờ… trời! Chỉ cần thời tiết bất thường thì bao công lao chăm sóc tuột khỏi tay. Vì vậy, cho đến ngày cuối cùng hoa còn ở trong vườn thì người trồng hoa vẫn còn canh cánh nỗi lo. Năm nay, anh Tư Nhuận mơ ước những cây tắc mang lên TP Hồ Chí Minh sẽ bán được từ 700 ngàn đến 1,5 triệu đồng/gốc, cúc mâm xôi được 50.000-60.000 đồng/chậu. Mong ước thế, nên Tết năm nào vợ chồng anh cũng "bám trụ" ở TP đến ngày cuối cùng. Gần như năm nào, khi hai vợ chồng về đến phà Rạch Miễu, Hàm Luông thì pháo hoa cũng đã sáng rực trên bầu trời mừng năm mới. Bây giờ, phà đã là cầu. Đường về nhà nhanh hơn, có lẽ, vợ chồng anh cùng những người trồng hoa sẽ kịp về đến nhà để quây quần quanh mâm cỗ giao thừa, cùng ước một năm mới thịnh vượng, sung túc hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.