(HNM) - Trở về Việt Nam sau 14 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài với kỹ thuật và kinh nghiệm hóa trang điện ảnh, Lilian Trần sớm trở thành một
- Chị đến với điện ảnh Việt Nam như thế nào?
- Khi theo gia đình về Việt Nam, lúc đầu tôi không có ý định đi làm phim. Một lần tình cờ đọc báo thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuẩn bị làm phim kinh dị, thấy đề tài cũng hay, hợp với chuyên môn của mình và cũng muốn trải nghiệm điều kiện làm phim ở Việt Nam nên tôi liên lạc thử. Đạo diễn muốn tôi làm thử vết cắt trên mặt diễn viên, nhay, kéo xem có bung ra không, có chịu được nước, được sức nóng không… tất cả đều đạt yêu cầu, nhà sản xuất thích và ký hợp đồng. Sau đó, mọi người trong giới làm phim biết tôi nhiều hơn nên đã chủ động mời hợp tác.
- Chắc chắn làm hóa trang ở nước ngoài rất khác so với trong nước?
- Nói chung, điều kiện làm việc ở nước ngoài tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và cũng đào thải mạnh hơn. Khi về đây, tôi mới nghe nói rằng, khâu hóa trang trong điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay không có phác thảo về nhân vật. Vì thế, khi làm "Lời nguyền huyết ngải" tôi đã đề nghị với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên để tôi vẽ một loạt hình phác thảo nhân vật do diễn viên Thành Lộc thể hiện để đạo diễn thấy hình ảnh của người diễn viên khi hóa trang thì sẽ như thế nào. Đó là kiến thức cũng là kinh nghiệm tôi học được ở nước ngoài đem áp dụng ở Việt Nam.
- Chị có thể giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về sự chuyên nghiệp trong hóa trang điện ảnh?
- Một người được đào tạo bài bản về hóa trang sẽ được học về công nghệ mới, đèn, sản phẩm mà mình sử dụng… nói chung là rất nhiều. Cũng phải nói thêm rằng, ở Việt Nam tôi thấy nhiều người hiểu lầm giữa hóa trang và trang điểm. Một số người nghĩ đơn giản hóa trang là bôi trát, tô vẽ. Không phải thế! Cũng như công nghệ, bắt buộc mình phải cập nhật liên tục. Phim quay ngoài trời sẽ trang điểm như thế nào, sử dụng loại sản phẩm gì, khi quay đêm hay trong bóng tối hoặc trong ánh lửa bập bùng thì trang điểm ra sao. Tức là người hóa trang phải theo được ánh sáng đang sử dụng lúc đó. Yếu tố quan trọng nữa là máy quay. Ví dụ quay bằng video thì hóa trang khác khi quay bằng máy Red One… Bản thân tôi dù đã tốt nghiệp và đi làm khá lâu nhưng hàng năm tôi phải ra nước ngoài dự các khóa học để biết về công nghệ mới, sản phẩm mới.
- Chị nghĩ sao về việc cần đào tạo người làm công việc này theo hướng chuyên nghiệp?
- Chuyên nghiệp hóa thì đương nhiên công việc sẽ tốt hơn. Tuy nhiên điều đó không dễ thực hiện trong một sớm một chiều và phải bắt đầu từ sự lưu tâm của các nhà định hướng chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam. Tôi cũng đã ước mơ mở trung tâm đào tạo nghề ở Việt Nam nhưng khó khăn là không đáp ứng được nguyên liệu để học sinh thực hành. Các bạn trẻ phần lớn chỉ quan tâm tới trang điểm chứ không phải là hóa trang nên khi biết về nội dung cũng như thời gian học thì đa số đều không quay lại. Hóa trang là nghề không hề đơn giản, phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội, biết về sản phẩm, hóa chất, biết vẽ, điêu khắc và nhiều kiến thức tổng hợp khác. Bản thân tôi khi chuẩn bị cho một bộ phim về tai nạn giao thông chẳng hạn, cũng phải vào tận bệnh viện để xem người bị tai nạn trông như thế nào chứ không đơn giản là tạo vài vết thương, băng bó là xong!
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.