(HNMCT) - Bất ngờ, choáng ngợp và khâm phục - đó là cảm giác của người xem khi đến với triển lãm “Giấc mơ nồng nàn” của họa sĩ Hà Quang Vỹ (nghệ danh Tùng Vỹ). Không dừng ở đường nét sống động, sắc màu rực rỡ thôi miên mắt nhìn, cảm xúc tuôn đổ trên mặt toan, “Giấc mơ nồng nàn” còn là câu chuyện về sự khơi mở và chạm đến giấc mơ mà có khi phải đi một chặng đường đời dài người ta mới có thể nhận ra.
- Xin chào họa sĩ Tùng Vỹ! Anh vừa có 1 tuần để giới thiệu đến công chúng Thủ đô “Giấc mơ nồng nàn” của mình (triển lãm kéo dài từ ngày 28-3 đến ngày 6-4 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội). Anh sinh năm 1964, triển lãm giới thiệu 64 bức tranh, những con số có vẻ đầy tính chiêm nghiệm về thời gian nhưng lại được gọi là “giấc mơ”, vì sao vậy, thưa anh?
- Tôi theo đuổi dòng tranh trừu tượng và với tôi, mỗi bức tranh như một giấc mơ. Giấc mơ nồng nàn, đắm say nhất. Và, khi giới thiệu đến người xem, tôi muốn mỗi người có thể đồng cảm với họa sĩ ở góc độ nào đó. Hãy coi đó là một giấc mơ để cảm xúc dẫn dắt, chứ đừng nghĩ bức tranh này vẽ cái gì.
Ở một góc độ khác, triển lãm cũng là lời khẳng định rằng giấc mơ hội họa của tôi đã trở thành hiện thực. Suốt 40 năm qua, tôi loay hoay trong vòng xoáy của cuộc sống. Hồi trẻ, tôi ao ước thi Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, học tạo hình nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn có tiền mua một hộp màu cũng khó. Tôi đành chọn học khoa Nội ngoại thất, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, để mưu sinh. 40 năm gắn bó với công việc thiết kế nội thất, gắn liền với rất nhiều công trình bảo tàng từ Bắc chí Nam, tôi vẫn mơ được làm cái gì đó vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường, thỏa mãn đam mê và tôi tìm thấy điều đó khi vẽ tranh trừu tượng, ở đó tôi được bung hết cảm xúc của mình.
- Gần 40 năm trải nghiệm rồi mới vẽ tranh, làm triển lãm đầu tay, điều gì đã “đánh thức giấc mơ” hội họa trong anh?
- Nhiều năm loay hoay với việc đi làm kiếm tiền, cuộc sống quăng quật, tôi rất muốn làm một cái gì đó cho chính mình, được là mình. Tôi tâm sự với họa sĩ Lê Tiến Vượng, một người anh, người thầy của tôi rằng tôi chỉ tìm được tự do khi vẽ, và anh đã bảo tôi: Vậy thì phải làm ngay đi, đừng chờ đợi nữa! Lời thúc giục ấy dường như đã “thức tỉnh” tôi. Trong thời gian phải ở nhà giãn cách do đại dịch Covid-19, đúng là cái may trong cái không may, tôi có thời gian ở nhà để làm điều mình muốn bấy lâu nay. Ba năm “đóng cửa nằm nhà”, tôi đã vẽ được hơn một nghìn bức tranh sơn dầu.
- 1.000 bức trong 3 năm là một con số khủng khiếp, trung bình mỗi ngày 1 bức! Họa sĩ Tiến Vượng nhận xét: Anh vẽ như thể bị thúc giục, phải làm nhanh. Nhà Tùng Vỹ giờ từ đầu ngõ đến chân cầu thang, từ gác xép đến gác bếp, từ gầm giường đến nóc tủ xếp đầy tranh…
- Đúng là có cảm giác khi vẽ tôi không dừng lại được. Tôi vẽ không toan tính, chỉ để thỏa cảm xúc của mình. Trước khi vẽ, tôi không định hình trước mình sẽ vẽ gì. Trong căn phòng rộng chừng 14m2 , xung quanh xếp đầy tranh, tôi đứng đối diện với tấm toan, vẽ nền và để cho cảm xúc dẫn dắt mình đi. Khi sống với hội họa, tôi thấy mình như một người khác, nhiều năng lượng đến mức có thể quên ăn, quên ngủ, nhiều khi không ngủ được là tôi lại vẽ.
- Nhiều người nhận xét, họ bất ngờ khi xem tranh của anh, bởi sức làm việc, năng lượng sáng tạo mạnh mẽ và sự độc đáo trong mỗi tác phẩm. Thậm chí, không ít bạn bè anh chia sẻ, tranh của anh rực rỡ, cảm xúc mạnh mẽ, dường như khác hẳn với con người Tùng Vỹ ngoài đời, hiền lành, có phần trầm lặng?
- Đúng vậy, bản thân tôi cũng thấy tôi vẽ như một sự khám phá lại bản thân mình. Tôi muốn được bứt ra khỏi đời sống này, được bung, được thỏa mãn cảm xúc trong đường nét, màu sắc. Nhưng nhìn lại, các bức tranh của tôi vẫn thể hiện sự hài hòa, vẫn đủ sắc màu của ngũ hành, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tôi nghĩ, dù có phá cách đến đâu thì hội họa cũng vẫn là thể hiện tâm hồn mình, cái tạng của mình.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá: "Tôi quen với Tùng Vỹ 40 năm nay và tôi biết Tùng Vỹ là con người bí ẩn, phẩm chất nghệ sĩ rất đậm đặc. Điều đó thể hiện rất rõ nét trên tranh của anh. Các họa sĩ trừu tượng thường thiên về vẩy, quệt, nhưng tranh của Tùng Vỹ đường nét đâu ra đấy, nhấn nhá, trau chuốt nên nhìn trong tranh có không gian, rất hay, rất khác với tranh trừu tượng đã có.
Xem tranh Tùng Vỹ còn để hiểu ra, đằng sau một người họa sĩ đa tài hiền lành nhút nhát, “không rượu bia trà thuốc, không dép guốc găng-xtơ, không ngu ngơ khờ khạo” là một Tùng Vỹ lặng thầm không phô trương ầm ĩ nhưng đầy khát khao và quyết đoán, một khả năng sáng tạo phi thường, nếu không thì làm sao mà chỉ có 3 năm (2020 - 2023) Tùng Vỹ đã vẽ được hơn 1.000 bức tranh, mà toàn khổ to cỡ nửa cái chiếu là ít…
Triển lãm “Giấc mơ nồng nàn” của họa sĩ Tùng Vỹ thực sự đã đem lại bất ngờ trong giới hội họa. Hội đồng nghệ thuật duyệt đánh giá đây là những bức tranh đẹp, hấp dẫn, chắc chắn cái tên Tùng Vỹ trong thị trường tranh siêu thực sẽ được biết đến thời gian gần đây".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.