Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn và bức tranh lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

ANHTHU| 02/06/2008 15:02

Phác thảo bức sơn dầu “Hà Nội, chiến luỹ và hoa” của hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn đang được trưng bày tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 19, Hàng Buồm lấy ý kiến đóng góp của công chúng và các nhà khoa học.

Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn bên một trích đoạn tác phẩm của mình.

Phác thảo bức sơn dầu “Hà Nội, chiến luỹ và hoa” của hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn đang được trưng bày tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 19, Hàng Buồm lấy ý kiến đóng góp của công chúng và các nhà khoa học. Đây là một trong những bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam, sẽ được hoàn thành vào đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. PV đã có cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Doãn Sơn.

- Ý tưởng nào đã khiến anh quyết định vẽ một bức tranh lịch sử khổ lớn như vậy?

- Vẽ tranh lịch sử là niềm yêu thích của tôi ngay từ khi còn là sinh viên mỹ thuật. Khi ra trường, tôi đã đeo đuổi đề tài này và cũng đã bước đầu thành công với một vài tác phẩm.


Bức Hoàn Kiếm tái hiện cảnh vua Lê trả gươm Rùa thần của tôi đã đoạt giải C tại Triển lãm mỹ thuật thủ đô năm 2004, hiện được treo tại văn phòng Thành ủy Hà Nội.

Sau đó bức Mẹ huyền thoại tôi vẽ Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân với 100 đứa con –100 ước mơ, 100 hy vọng – cũng đã được chọn treo tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005.

Tuy nhiên, ý tưởng để vẽ bức tranh hoàng tráng này lại bắt đầu từ một cơ duyên rất tình cờ.


Một lần tôi có dịp nói chuyện với họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, và hiểu nỗi băn khoăn của ông về những dự án mỹ thuật về đề tài lịch sử chưa hoàn thiện. Ông kể về cuộc chiến Hà Nội năm 1946- Một cuộc chiến hào hùng, oanh liệt và cũng đầy tính nhân văn. Trong phút cao hứng, tôi đã hứa với ông là sẽ vẽ một bức tranh về cuộc chiến này. Khi đó tôi chỉ mới hình dung về một chiến lũy với  rất nhiều đồ đạc quý gia, đẹp đẽ của nhân dân sẵn sàng mang ra để cản lại xe tăng và pháo của kẻ thù.


- Để có một bức phác thảo kích thước lớn ( 2.15 m x 9.3 m) với rất nhiều hình ảnh liên quan đến lịch sử đòi hỏi phải chính xác đến từng chi tiết như thế này, anh đã bắt đầu như thế nào?


- Tôi bắt đầu bằng việc tìm hiểu kỹ hơn về cuộc chiến, qua sách vở, qua việc tìm gặp những chuyên gia, những người già từng chứng kiến và tham gia vào cuộc chiến. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy, đó quả thật là một cuộc kháng chiến vô cùng đẹp đẽ và ý nghĩa. Tôi đã tìm đọc cuốn “Sống mãi với thủ đô” và sau này là cuốn “Mẫu Thượng Ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân  Khánh, tìm kiếm tư liệu từ các bảo tàng, xem phim Hà Nội mùa đông năm 1946... Đặc biệt sau này tôi được tiếp xúc với những tư liệu, hiện vật khảo cổ từ Hoàng thành Thăng Long và được tặng cuốn Tiền cổ Việt Nam.

Tất cả những tư liệu, hiện vật đó đã được tái hiện trong phác thảo của tôi như những chi tiết cụ thể cho một câu chuyện dài mà tôi định kể trong bức tranh. Và qua đó, tôi cũng bắt đầu có được một hình dung tương đối tổng quát cho dự định của mình.

- Tác phẩm của anh kể điều gì về cuộc kháng chiến  vĩ đại và thần thánh đó?


Thực ra bối cảnh thời điểm 1946 chỉ là một thời điểm mượn để tôi nén vào đó những ẩn ý về một nền văn hóa Thăng Long nghìn năm văn hiến. Mỗi tấc đất Hà Nội đều ẩn chứa trong đó những di tích nghìn năm để lại. Cuộc chiến này, ngoài sức mạnh của nhân dân, chúng ta còn có đằng sau cả một nền văn hóa.


Khi vẽ xong bản phác thảo, tôi cảm thấy như mình đang thực hiện một cuốn tiểu thuyết  vậy. Đây là một trận chiến trên phố, với việc mô tả một góc phố cổ Hà Nội những ngày đầu kháng chiến của quân và dân thủ đô vào mùa đông năm 1946. Khói bom mù mịt, phố nhà đổ nát hoang tàn, nhưng những đốm lửa nhỏ hay ngọn lửa bùng lên xác xe tăng lại như là sức sống vừa bền bỉ vừa mạnh mẽ, tựa như sự bất khuất kiên gan của người Hà Nội bám trụ từng ngõ phố của mình.


Ngày 31-5, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và giới hoạ sĩ về bức phác thảo của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. Các nhà khoa học và giới chuyên môn đã đánh giá cao sự nhiệt huyết và dày công của tác giả để làm bản phác thảo này. Họ cũng nhận xét đây là một công trình nghiêm túc, mang bản lĩnh táo bạo đồng thời cũng là tâm huyết của một họa sĩ trẻ đối với đề tài lịch sử cách mạng.


Họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo cho biết, các nghệ sĩ của Hội Mỹ thuật Hà Nội, các nhà khoa học ở Hội Sử học, các nhà thơ như Bằng Việt, nhạc sĩ Hà Hải, nghệ sĩ Trần Mạnh Cường… đều nhất trí cổ vũ và ủng hộ công trình mỹ thuật này và sẽ xúc tiến đề nghị, xin phép ban Văn hiến và Thành ủy TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí để tạo điều kiện cho tác giả hoàn thiện.

Khi Trong tổng thể chung đó, tôi đặc tả những nhân vật, những con người – tâm điểm của cuộc chiến và cũng là tâm điểm trong ý tưởng của tôi. Đó là em bé giao liên bé nhỏ lanh lợi, là cô nữ sinh, nhạc sĩ, hay là người mẹ già, điểm  tựa của những người lính nơi hậu phương, là hình ảnh đẹp về cô gái bán hoa tươi trên phố và anh lính tự vệ giây phút vội vã trong chiến luỹ…


- Vẽ về đề tài lịch sử, cái khó nhất đối với anh là gì?


- Tôi rất thiếu tư liệu. Khi tìm hiểu ở các bảo tàng, mặc dù cuộc chiến mới rời xa 70 năm, nhưng tư liệu để lại không còn nhiều. Có nhiều hiện vật, tôi phải tìm hiểu qua trí nhớ của người già, hoặc qua ảnh thì rất nhỏ. Chỉ là một đôi dép, bộ quần áo, trái lựu đạn, phóng to như thế này, nhiều khi tôi không chắc mình đã vẽ đúng hay chưa. Mặc dù tôi có nhiệt tình và tuổi trẻ, nhưng rất thiếu kiến thức và kinh nghiệm để vẽ về đề tài lịch sử. Vì vậy, thực hiện trưng bày bản phác thảo này tôi rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn và người dân để tôi có thể tránh được những sai sót đáng tiếc.


- Đề tài, nội dung và kích thước của tranh rất thích hợp cho việc treo ở một không gian ngoài trời, nhưng tác phẩm lại bằng chất liệu sơn dầu, anh có hình dung treo ở đâu thì phù hợp không?


- Tôi cảm thấy việc vẽ bức tranh này như một sự mạo hiểm, chỉ mong muốn mình vẽ thành công, tác phẩm sẽ được công chúng đón nhận.

Hiện giờ tôi chưa hình dung cụ thể về không gian để treo tác phẩm này. Nhưng tôi tin là sẽ có không gian phù hợp.


- Cám ơn anh và chúc anh thành công với tác phẩm lớn này.


Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn sinh năm 1975, quê ở Đô Lương, Nghệ An. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1997. Từng đoạt giải nhất triển lãm mỹ thuật thủ đô năm 1997, giải đồng hạng ASEAN năm 2000, giải C Triển lãm mỹ thuật thủ đô năm 2004. Ngay từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 1997 anh đã có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Bài ca lao động”. Từ đó đến nay, anh tham gia nhiều triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội và CLB Họa sĩ trẻ tổ chức.


H. Minh
  (ND)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn và bức tranh lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.