(HNMCT) - Hà Nội xưa nay vốn nổi tiếng là "đất trăm nghề", nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa nhiều ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, việc thiếu bàn tay thiết kế cũng đang khiến nhiều làng nghề, nghệ nhân hiện chỉ còn đóng vai trò gia công hàng hóa, giá trị hàng hóa thấp. Xung quanh vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Hồ Nam, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật ngành Mỹ thuật ứng dụng, Hội Mỹ thuật Việt Nam.
- Tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 - 2019) diễn ra hồi tháng 10 vừa qua, có một vấn đề được đặc biệt quan tâm, đó là làm sao tạo ra được mối liên kết giữa các doanh nghiệp ở làng nghề truyền thống với các họa sĩ thiết kế. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của mối quan hệ này?
- Mới đây, khi tới thăm Làng nghề sơn mài Hạ Thái, tôi có vào một hộ sản xuất đang làm các sản phẩm do một hãng thời trang nổi tiếng thế giới đặt hàng. Phải nói tôi rất bất ngờ vì họ đặt nghệ nhân của ta làm 1.000 sản phẩm với tiêu chí rất khắt khe nhưng chỉ tuyển chọn hơn 200 sản phẩm để đưa ra thị trường, số còn lại phải hủy. Tính trung bình 1 ngày 10 công nhân ở làng nghề may ra làm được một nửa sản phẩm do họ yêu cầu, có kích thước chừng 20 x 20cm. Sản phẩm do họ thiết kế đòi hỏi chế tác cực kỳ tinh xảo và toàn bộ đều làm thủ công bằng chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam.
Các nghệ nhân phải đeo kính lúp để làm sản phẩm đó và bắt từng hạt bụi trên mặt hộp. Một sản phẩm như vậy khi bán ra thị trường có giá 2.000 - 3.000 USD, một cái giá rất cao, tuy nhiên các nghệ nhân của chúng ta chỉ được hưởng phần tiền gia công rất rẻ. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Vì sao kỹ thuật sơn mài của mình điêu luyện như vậy, nghệ nhân của mình giỏi như vậy, nhưng lại chỉ gia công những mặt hàng cao cấp cho nước ngoài? Rõ ràng là chúng ta hoàn toàn có thể xử lý các sản phẩm như vậy, chúng ta có những làng nghề truyền thống hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, có đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao, đồng thời lại có một lực lượng rất lớn họa sĩ thiết kế, thế nhưng chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này. Chúng ta còn quá dễ dãi trong mẫu mã, trong cách làm khiến sản phẩm giá trị không cao.
- Chúng ta thường xuyên đặt ra yêu cầu đa dạng hóa mẫu mã ở các làng nghề nhưng vai trò của nhà thiết kế lại chưa được đề cao. Vì sao vậy thưa ông?
- Chúng ta có thể nhìn ngay vào thực tế hiện nay: Các làng nghề đang teo tóp dần, mất nghề dần vì không có người kế nghiệp, nhiều lao động ở làng nghề bỏ sang làm nghề khác bởi giá trị hàng hóa quá thấp, làm không đủ sống. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những làng nghề biết kết hợp nghề truyền thống với thiết kế hiện đại, mới mẻ, chẳng hạn như Làng nghề gốm Bát Tràng đang rất phát triển, có nhiều thương hiệu gốm sứ mạnh, được hình thành từ chính làng nghề. Qua đó có thể thấy một xu thế mang tính thời đại: Đó là nâng tầm nghệ thuật thủ công truyền thống bằng những thiết kế độc đáo, tinh xảo. Làng nghề nào không nhận ra được xu thế thì sẽ rất khó phát triển trong thời đại hiện nay.
Trên thế giới, rất nhiều nước cũng bắt đầu từ việc đi làm thuê sau đó mới vực dậy nghề truyền thống bằng sáng tạo tự lực. Chẳng hạn như Trung Quốc cũng là một công xưởng của thế giới nhưng vấn đề là phải vượt lên được, rút ra kinh nghiệm, xu thế để từ đó tạo ra giá trị riêng của mình.
- Nhiều họa sĩ cho rằng chúng ta hiện nay chưa đánh giá cao thiết kế trong lĩnh vực thủ công truyền thống, cho rằng thủ công là đơn giản, ít sáng tạo. Bên cạnh nhận thức của các doanh nghiệp ở làng nghề thì đây cũng là lý do khiến chúng ta chưa thu hút được những họa sĩ có tài tham gia vào lĩnh vực này?
- Đúng là hiện nay chúng ta còn đang có nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm mỹ thuật ứng dụng, cho rằng nó thấp hơn so với mỹ thuật tạo hình. Chúng tôi cũng đang lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các họa sĩ để đề nghị cơ quan quản lý sửa khái niệm này. Chúng ta không nên tách biệt quá giữa sáng tác và thủ công mỹ nghệ. Ngay trong thủ công mỹ nghệ đã có những sáng tác về hình dáng, deco, trang trí, sáng tác về chất liệu... Qua triển lãm Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 - 2019) vừa qua cho thấy sản phẩm được thiết kế, tạo mẫu hết sức chỉn chu, cách thực hiện kỹ càng không kém bất cứ tác phẩm tạo hình nào.
Trên thế giới luôn tồn tại song song 2 loại: Mỹ thuật và thiết kế (art và design), ở Nhật song song một dòng nữa là nghệ thuật thủ công và vị trí của họa sĩ ở các lĩnh vực này là ngang nhau. Nhiều giải thưởng trên thế giới tách design và thủ công ra thành 2 dòng riêng, như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc tôn vinh, phát triển từng lĩnh vực. Xu hướng của thế giới hiện nay là coi trọng nghệ thuật thủ công, sản xuất hàng loạt không đem lại giá trị lớn như thủ công cực kỳ tinh xảo. Ở Việt Nam, chúng ta có những tiềm năng rất lớn và phải đề cao vai trò của các nhà thiết kế trong lĩnh vực này. Các nhà thiết kế phải kết hợp nhuần nhuyễn với nghề thủ công của đất nước mới tạo nên bản sắc cho chúng ta.
- Ông có đề xuất giải pháp gì để nâng cao nhận thức chung về vấn đề này?
- Thay đổi nhận thức là một vấn đề khó, cần phải có quá trình. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, kết hợp tuyên truyền, hay vinh danh các nghệ nhân, họa sĩ thiết kế có những sáng tạo mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thông qua các triển lãm mỹ thuật ứng dụng. Từ năm nay, thời gian tổ chức triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc sẽ được rút ngắn từ 5 năm xuống còn 3 năm một lần.
Tôi tán thành ý kiến của họa sĩ Vi Kiến Thành, chúng ta rất cần thành lập những viện nghiên cứu sơn mài, viện nghiên cứu sản xuất những hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, chúng ta có thể làm được và làm rất tốt. Mỹ thuật ứng dụng đòi hỏi 3 yếu tố: Con người làm ra nó, thời đại mà nó thịnh hành và công chúng hưởng thụ. 3 yếu tố này phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau mới tạo nên thành công. Đã có nhiều hội thảo về vấn đề này, ai cũng nói cần phải có chi phí, phải có cơ chế... nhưng tôi nghĩ không phải như vậy, tất cả là yếu tố con người, do trình độ con người là yếu tố quyết định chứ không phải là tiền bạc. Chúng ta cần học cách của người Nhật, nhà thiết kế phải kết hợp chặt chẽ với nghệ nhân, đó là hướng đi nhiều người biết và nhiều nước làm rồi. Các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Hermès, Louis Vuitton... đều đang đi theo con đường kết hợp giữa thiết kế và sự khéo léo của các nghệ nhân để tạo ra những sản phẩm siêu cao cấp.
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, sở, ban, ngành rất quan trọng trong việc định hướng mẫu mã hàng hóa. Chúng ta đừng thả nổi nghệ nhân bởi khi thả nổi thì họ sẽ đi theo những xu hướng dễ dãi, nhái mẫu mã chỗ nọ chỗ kia dẫn đến mất nghề. Phải làm sao lưu giữ được những tinh hoa của dân tộc thông qua những thiết kế có hàm lượng sáng tạo cao, mang tinh thần văn hóa Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.