Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 28-5 vừa qua, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lý Thị Lan (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Giang) cho rằng, cần phân quyền mạnh mẽ để Khu công nghệ cao Hòa Lạc tương xứng với vị trí là một tổ chức hành chính trực thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá; tương xứng với vị trí là hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, đại biểu Lý Thị Lan tán thành các quy định về phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng và ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do thành phố thành lập, phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển của Thủ đô.
“Tôi đồng tình với việc quy định nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao; các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao đến làm việc tại khu công nghệ cao”, đại biểu nói.
Để hoàn thiện những quy định mang tính đột phá vượt trội giúp cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều cơ hội và lợi thế để phát triển, đại biểu Đoàn Hà Giang cho rằng, cần quy định 2 nhóm giải pháp chính sách. Trong đó, cần những quy định vượt trội về bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là việc xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo, phù hợp với mục tiêu chính của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đại biểu cũng cho rằng, cần có quy định đặc thù về việc xác nhận và sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực hợp pháp trong nghiên cứu phát triển liên doanh, liên kết.
Đại biểu Lý Thị Lan cũng đề nghị cần các quy định về vị trí pháp lý của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các quy định phân quyền của chính quyền thành phố cho Ban Quản lý khu công nghệ cao. Từ đó, Ban Quản lý trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, tương xứng với vị trí là một tổ chức hành chính trực thuộc UBND thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.
Đại biểu Đoàn Hà Giang cũng nhất trí cao việc Luật Thủ đô có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Trong đó, có những quy định mới khác với quy định của Luật Đất đai năm 2013 đang được thực hiện tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhưng chưa có quy định chuyển tiếp
Để làm tốt nội dung nêu trên, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất rà soát, chỉnh sửa quy định chuyển tiếp theo nguyên tắc bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong quản lý đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch thông qua việc cho phép tất cả nhà đầu tư trực tiếp thuê đất của Nhà nước như hiện nay đang thực hiện, thay vì quy định các chế độ quản lý đất đai khác nhau đối với từng khu chức năng.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chuyển tiếp về thẩm quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quản lý đất đai, bao gồm thẩm quyền quản lý quỹ đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng; thẩm quyền giao lại đất, không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thu hồi đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai...
"Việc bổ sung quy định chuyển tiếp này sẽ không gây ra sự xáo trộn, đứt quãng trong quản lý, tạo thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” tại chỗ, tăng cường tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm của Ban Quản lý khu công nghệ cao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc”, đại biểu nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.