(HNMO) - Chiều 10-8, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở”.
Các đánh giá cho thấy, thời gian vừa qua, ngành Tư pháp đã gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng của công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp và các địa phương đã chủ động thay đổi phương pháp nhằm thích ứng tình hình mới và đảm bảo mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Toàn thành phố có 4.925 tổ hòa giải với tổng số 32.234 hòa giải viên. Hằng năm, 80% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.
“Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác này trong việc góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho nhà nước và nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, công tác hòa giải trên địa bàn thành phố còn hạn chế, như: Một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải còn thấp. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Năm 2022, cũng là năm kết thúc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, thành phố Hà Nội sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án và triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn và triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn thành phố”. Sở Tư pháp Hà Nội nghiên cứu tiếp tục đề xuất cấp phát ấn phẩm Pháp luật và Xã hội miễn phí cho các tổ hòa giải cơ sở, thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố trong công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.