Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hóa giải áp lực để phát triển

Thế Văn| 21/03/2020 06:34

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ước đạt khoảng 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Con số nêu chỉ nói lên phần nào những áp lực mà nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh thương mại thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Áp lực tiếp tục đè nặng khi các thị trường truyền thống và cũng là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam như Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ đều “chao đảo” vì dịch Covid-19. Thị trường Trung Quốc phục hồi chậm, trong khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới toàn khối… Khi giao thương ách tắc, chi phí giao dịch tăng và đáng lo ngại hơn là tình trạng tồn đọng hàng xuất khẩu. Với năng lực hiện tại của các doanh nghiệp, việc bảo quản các mặt hàng nông sản tươi sống trong một thời gian dài là không thể. Do đó, đưa ra thị trường một lượng lớn hàng dư thừa là một vấn đề nan giải...

Từ những câu chuyện này, có thể nhận thấy, những vấn đề nội tại của nông sản xuất khẩu Việt Nam đã “phơi bày" rõ hơn dưới tác động của dịch Covid-19, buộc chúng ta phải thay đổi cả trong nhận thức và hành động để thích nghi với những biến động từ thị trường, hóa giải những áp lực để phát triển.

Để xuất khẩu nông sản hiệu quả bền vững, doanh nghiệp trong vai trò chủ thể của hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, cần đổi mới phương thức hoạt động. Thay vì hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; đồng thời năng động, sáng tạo trong việc tìm kiếm, phát triển thị trường mới...

Nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm cần thay đổi cách sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính kỷ luật trong quy trình sản xuất và tăng cường tiếp nhận tri thức về thị trường, kỹ thuật, công nghệ… để làm ra những sản phẩm tốt nhất, thỏa mãn được các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch đi các nước. Và nhất là, không chạy theo “phong trào” vì lợi ích trước mắt. Để hóa giải áp lực khó khăn lúc này, rất cần sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và Công Thương trong đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi phương thức xuất khẩu nông sản theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện mạnh mẽ năng lực bảo quản, chế biến, đóng gói; đa dạng hóa và từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường…

Về phía các hiệp hội ngành hàng, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại chính mình, từ đó nâng cao năng lực kết nối các doanh nghiệp thành viên để tạo nên sức mạnh nhóm cũng như tăng cường vai trò làm đầu mối, phối hợp với Nhà nước và khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản...

Các cơ quan quản lý, các tỉnh, thành phố với vai trò “nhạc trưởng” nên đổi mới cách tiếp cận với những vấn đề đặt ra từ thực tế, nắm bắt các xu thế thị trường để từ đó đưa ra những quyết sách, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng sản xuất, kinh doanh. Song song đó, tổ chức phổ biến các thông tin, khuyến cáo về xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn chất lượng, hàng rào kỹ thuật đối với nông sản của các nước nhập khẩu tới các doanh nghiệp, hộ nông dân…

Những vấn đề nêu trên có ý nghĩa căn cốt, còn trong thời điểm hiện tại, giải quyết nông sản đang tồn đọng vẫn là vấn đề cấp thiết. Đây là một nội dung được các bộ, ngành đang quan tâm tháo gỡ, nhất là với thị trường Trung Quốc đang khởi động lại sản xuất và cuộc sống sau khi đã đẩy lùi dịch Covid-19. Cùng với đó là tiếp tục tìm hướng phát triển thêm các thị trường mới.

Áp lực từ dịch Covid-19 có thể coi là một động lực để khắc phục những hạn chế, bất cập, từ đó cơ cấu lại các ngành hàng nông sản xuất khẩu, hướng tới phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải áp lực để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.