(HNM) - So với các cuộc thăm dò trước bầu cử, thậm chí là ngay tại các điểm bỏ phiếu, chiến thắng của đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một bất ngờ lớn. Đã có những dự đoán về một
Thủ tướng Netanyahu tại một điểm bỏ phiếu (Ảnh Reuters) |
Thắng lợi làm nức lòng những người ủng hộ Likud đã khiến "con đường quan lộ" của ông B.Netanyahu trở nên quang đãng hơn. Dẫu rằng việc thành lập một chính phủ liên minh nắm giữ 61 ghế theo luật pháp Israel đòi hỏi nhiều nhượng bộ, nhưng về tổng thể, nhà lãnh đạo 66 tuổi này gần như chắc chắn sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư do nhận được sự ủng hộ truyền thống của những đảng cực hữu và tôn giáo khác. Nếu vậy, ông B.Netanyahu sẽ trở thành vị thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử quốc gia Do Thái. Trước đó, việc tuyên bố tổ chức bầu cử sớm trước hai năm sau khi cách chức Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid và Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni đã đẩy chính phủ liên minh đến bờ vực sụp đổ và đây được xem là canh bạc "5 ăn 5 thua" của Thủ tướng B.Netanyahu. Khác với lần bầu cử sớm vào tháng 2-2013, khi đó Bibi (tên thân mật của ông B.Netanyahu) đang ở thế "bất khả chiến bại" vì không có đối thủ nào có đủ sức cạnh tranh với ông, lần này vị thủ tướng cực hữu bị "đe dọa" bởi đối thủ cánh tả Isaac Herzog từ đảng ZU. Cũng không giống với hai năm trước đây, cuộc bỏ phiếu bất đắc dĩ này diễn ra trong bối cảnh chính trường và nội bộ xã hội Israel đang có sự phân rẽ khá mạnh liên quan đến hàng loạt các vấn đề, từ ngân sách quốc gia, việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng đất của người Palestine, sự đổ vỡ của tiến trình hòa bình Trung Đông đến nhiều chính sách đối ngoại khác.
Ngay trước thềm cuộc bầu cử mang ý nghĩa quyết định này, hàng vạn người Israel đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ của Thủ tướng B.Netanyahu với khẩu hiệu "Israel muốn thay đổi". Làn gió ôn hòa thổi vào không gian cực hữu mà vị thủ tướng đương nhiệm ra sức tạo dựng tại quốc gia Do Thái dù chưa đủ để đảo ngược sinh mệnh chính trị của ông, nhưng là dấu hiệu rõ ràng phản ánh một sự dịch chuyển về tư tưởng trong xã hội. Dường như không phải người dân nào cũng tin rằng việc tiếp tục cướp đất đai của người Palestine để xây các khu định cư cho người Do Thái hay việc theo đuổi một quan hệ thù địch với các quốc gia Arab lân cận… là cách thức tốt nhất để bảo đảm an ninh cho người Israel. Ngược lại, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng chính ông B.Netanyahu là người phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ của tiến trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ đã mất rất nhiều công sức để nối lại. Và rằng, cũng chính sự "ương bướng" của vị thủ tướng cứng rắn đã đẩy mối quan hệ giữa Israel và Mỹ - "cha đỡ đầu" cho chính quyền Do Thái từ thuở lập quốc xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Việc phớt lờ yêu cầu phải ngừng lập tức việc xây dựng các khu định cư phi pháp trên đất của người Palestine, rồi những phát ngôn "coi trời bằng vung" của một số thành viên nội các Israel… lập trường chỉ trích chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran của "đứa con cưng" Israel đã làm Nhà trắng bực bội ra mặt. Ngay sau khi ông B.Netanyahu tuyên bố sẽ từ bỏ giải pháp cùng tồn tại song song với một Nhà nước Palestine độc lập, Washington lập tức khẳng định đây vẫn là quan điểm không thay đổi của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Thông điệp này cho thấy việc cải thiện quan hệ đồng minh với Mỹ, điều mà Israel không thể không làm vì lợi ích của mình sẽ khó mà thực hiện khi hai bên vẫn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Lịch sử của sự liên kết Israel - Mỹ cho thấy, thực trạng nêu trên sẽ khiến Tel Aviv mất nhiều hơn được trong bối cảnh quan hệ giữa Israel và Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã vơi đi ít nhiều dưới thời của Thủ tướng B.Netanyahu. Không chỉ phản đối nhiều chính sách của Tel Aviv đối với người Palestine, việc công nhận Nhà nước Palestine đang ngày càng rộng rãi tại hàng loạt quốc gia Châu Âu đã phản ánh một xu thế quốc tế có thể thay đổi bản chất cuộc đối đầu với người Palestine mà không theo ý muốn của Israel.
Với quan điểm mềm dẻo về đường lối đối ngoại, đảng ZU đang ngày càng có ảnh hưởng trên chính trường, nhiệm kỳ thủ tướng sắp tới chắc chắn sẽ không dễ dàng cho nhà lãnh đạo cao nhất của Israel. Cũng cần phải kể đến thành công lớn nhất trong 15 năm qua của Liên minh Arab gồm 4 chính đảng khi vươn lên vị trí thứ ba trong Quốc hội Israel. Thực tế, lực lượng của những người Israel gốc Arab đã có được tiếng nói lớn hơn trong đời sống chính trị, do vậy, Thủ tướng B.Netanyahu sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện những chính sách cứng rắn vốn đã hủy hoại các cuộc đàm phán với người Palestine. Chiến thắng trong cuộc bầu cử có thể giữ ông B.Netanyahu trên chiếc ghế thủ tướng nhưng cũng để ngỏ nhiều câu hỏi quan trọng. Với việc một chính phủ cực hữu lãnh đạo Israel, nhiều hồ sơ nóng bỏng, đặc biệt là triển vọng hòa đàm Trung Đông nhiều khả năng sẽ vẫn ở trong ngõ cụt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.