(HNM) - Chiếm tới 70-80% tổng nhu cầu, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp thời gian qua lại khá “nhỏ giọt”. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 10 năm (2011-2020), cả nước mới hoàn thành 249 dự án (khoảng 5,21 triệu mét vuông sàn), bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra.
Bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, còn có những yếu tố khác, như: Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức; có xác định quỹ đất nhưng ở vị trí không thuận lợi...
Thực tế, có những dự án ở vị trí thuận lợi, nhiều người đăng ký nên phải tổ chức bốc thăm để xác định quyền mua nhà ở xã hội; nhưng cũng không ít dự án rao bán đến 15-20 lần nhưng số hộ đăng ký mua vẫn chưa lấp đầy các căn hộ của dự án do ở vị trí xa trung tâm, đi lại không thuận lợi, hạ tầng chưa đồng bộ.
Theo các chuyên gia, với nhà ở xã hội, quan tâm của người dân là vị trí, chất lượng nhà ở, giá thành - khả năng tiếp cận sản phẩm; trong khi mục đích của chủ đầu tư là đầu tư kinh doanh có lãi. Nguồn cung cho nhà ở xã hội “nhỏ giọt” cũng bởi vì lợi nhuận thấp nên các nhà đầu tư không mấy nhiệt tình.
Việc tham gia phát triển nhà ở xã hội là một hành động tốt đẹp với xã hội, nhưng sự san sẻ này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc triển khai cũng như tạo tâm lý "sẵn sàng" hơn cho doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước cần có các quy định tạo thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư về nguồn vốn, về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội... để giúp thu hút đầu tư vào phân khúc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.