Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách vượt khó

Đỗ Minh| 23/01/2022 06:20

(HNM) - Nỗ lực góp phần thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách thích ứng với bối cảnh mới của dịch Covid-19, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết xung quanh nội dung này.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết.

Cho 117.300 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay 5.045 tỷ đồng

- Thưa ông, năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách vay vốn một cách nhanh chóng, kịp thời, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật của đơn vị?

- Năm 2021, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, giải ngân kịp thời vốn tín dụng chính sách tới các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn Thủ đô, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng doanh số cho vay của các chương trình tín dụng chính sách tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội trong năm 2021 đạt 5.045 tỷ đồng với 117.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn thông qua 16 chương trình tín dụng. Những đồng vốn chính sách kịp thời đã giúp nhiều người dân vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

- Các hộ nghèo, gia đình chính sách, người lao động là những đối tượng yếu thế, chịu tác động mạnh nhất bởi dịch Covid-19. Vậy, ông có thể cho biết rõ hơn những chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này trong năm qua?

- Để bảo đảm an sinh xã hội và đồng hành với người lao động vượt qua khó khăn, thách thức gây ra bởi dịch bệnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu thành phố và các quận, huyện, thị xã bố trí nguồn ngân sách chuyển bổ sung ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội và UBND cấp huyện đã chuyển 1.247 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn vay; trong đó dành riêng 500 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Đặc biệt, trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong quý III và quý IV-2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân được 162 tỷ đồng cho 157 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho 38.020 lượt người lao động. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện kịp thời việc giảm lãi suất cho vay theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 26-11-2021 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền là 22,8 tỷ đồng, cho 963.835 lượt vay trong các tháng 10, 11 và 12-2021. Qua đó đã giảm bớt khó khăn cho người vay vốn và thích ứng với bối cảnh mới của dịch bệnh.

Chủ động nâng cao hiệu quả sử dụng vốn chính sách

- Ông có thể cho biết rõ hơn về Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, với việc bảo đảm an sinh xã hội trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”?

- Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ và thành phố với người dân, bảo đảm an sinh xã hội - hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong triển khai tín dụng chính sách để góp phần thực hiện hiệu quả nhất Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch; đồng thời phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo từ khâu tuyên truyền, tập huấn đến phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai các chính sách liên quan. Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu tạo lập nguồn vốn tín dụng thực hiện cho giai đoạn 2021-2025 là 2.000 tỷ đồng để giải ngân cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn vay vốn, góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

- Dự báo trong năm 2022, người dân tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19. Vậy, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp nào để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân Thủ đô, thưa ông?

- Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống, việc làm, sinh kế của người dân, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện 4 nội dung trọng tâm.

Một là, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho nhân viên ngân hàng và người dân đến giao dịch; bảo đảm triển khai hoạt động tín dụng chính sách tới các đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, hiệu quả, không bị gián đoạn...

Hai là, phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu UBND thành phố phân bổ nguồn vốn ngân sách 900 tỷ đồng đã giao bổ sung ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2022 để tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách và người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế cho vay cơ sở sản xuất, kinh doanh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Đây cũng là nhiệm vụ mà UBND thành phố đã giao cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để tạo cơ chế riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của thành phố để tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với diễn biến mới của dịch Covid-19.

Ba là, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục triển khai chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Đồng thời, tham mưu và hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả Gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội các năm 2022 và 2023 của Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi thành phố Hà Nội thực hiện.

Bốn là, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tăng trưởng dư nợ đi đôi với giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, gắn tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.