Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ người dân, hạn chế “tín dụng đen”

Hà Linh| 16/03/2019 07:58

(HNM) - Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đang được các ngân hàng đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cũng như góp phần hạn chế

Tỷ trọng cho vay chiếm 20%

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện nay, trên cả nước có khoảng 70 tổ chức tín dụng, với mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ đối với lĩnh vực này lên tới hàng triệu tỷ đồng, với hơn 14 triệu lượt khách hàng, chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Dịch vụ Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng của Agribank giúp người dân có thể vay vốn dễ dàng. Ảnh: Hải Anh


Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc ra đời của Nghị định 116/2018/NĐ-CP (ngày 7-9-2018) sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp giúp nâng cao việc tiếp cận vốn của người nghèo ở vùng nông thôn, góp phần hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức. Theo Nghị định này, cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản bảo đảm tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng). Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất - kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản bảo đảm tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng).

Ông Nguyễn Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, tổng dư nợ của Agribank đối với nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1 triệu tỷ đồng với 4 triệu khách hàng, chiếm 50% dư nợ toàn ngành trong lĩnh vực này.

Để người dân dễ tiếp cận nguồn vốn...

Để người dân có thể dễ dàng tìm đến ngân hàng thay vì các tổ chức "tín dụng đen", ông Nguyễn Toàn Vượng cho biết, Agribank đã triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, phát triển 51.000 tổ vay vốn, phát huy thế mạnh hệ thống mạng lưới rộng lớn gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ. Năm 2019, Agribank sẽ xem xét bố trí nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp, trong đó có các nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian ngắn với thủ tục nhanh gọn hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bà Lưu Thị Lương (thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi đang vay vốn khoảng 100 triệu đồng của Agribank để mở rộng mô hình trồng rau sạch. Tôi thấy thủ tục vay vốn đơn giản và được nhận tiền chỉ trong vài ngày, với lãi suất dưới 10%/năm".

Còn theo ông Hoàng Minh Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei (Mcredit), để phát triển tín dụng nông thôn cần hoàn thiện hành lang pháp lý về tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vì đã có nhiều thông tin không tích cực khi chưa có phân định rõ về tín dụng chính thức và không chính thức. Đồng thời, cần có những điều chỉnh phù hợp để công ty tài chính có thể mở rộng phạm vi hoạt động, quy định rõ về hình thức cho vay ngang hàng. Ngoài ra, cần cập nhật, chuẩn hóa thông tin khách hàng trên toàn hệ thống.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cho vay; đồng thời mở rộng mạng lưới hơn nữa, nhất là tới các vùng sâu, vùng xa như phát triển mô hình tín dụng lưu động, đa dạng các sản phẩm cho vay... Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cải tiến các thủ tục, giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng nhất. Những nhu cầu vốn có tính chất bức thiết, đột xuất và chính đáng trong sinh hoạt như khám chữa bệnh, cưới hỏi, ma chay, cho con đi học..., các ngân hàng thương mại sẽ giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Đối với lãi suất cho vay, nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng áp dụng mức lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho người vay, nhất là nông dân và người lao động có thu nhập thấp vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong cuộc sống. Thủ tục vay, lãi suất của các ngân hàng thuận lợi, phù hợp, chắc chắn "tín dụng đen" không có cơ hội tiếp cận... người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ người dân, hạn chế “tín dụng đen”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.