(HNM) - Những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tư vấn pháp luật, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là đối thoại với nữ CNLĐ, mang đến cho chị em "món ăn tinh thần" thiết thực, giúp chị em nhiều kiến thức, tạo động lực vươn lên, khẳng định mình...
Được mời đến buổi đối thoại với nữ CNLĐ do LĐLĐ TP tổ chức đầu tháng 3 này tại KCN&CX Bắc Thăng Long (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Giang, ở Thanh Hóa, công nhân Công ty Daiwa chia sẻ: "Chuẩn bị lập gia đình, nên bản thân rất cần có kiến thức về hôn nhân, quy định nghỉ thai sản, chăm sóc con nhỏ... không có điều kiện tìm hiểu nên tôi thấy lo lắng, bất an. Nhưng hôm nay, các chuyên gia về dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo hiểm, tư vấn pháp luật đã giúp tôi giải tỏa mọi băn khoăn".
Lao động nữ cần nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành mà đặc biệt là cấp công đoàn. Ảnh: Trung Kiên |
Nữ CNLĐ tham gia đối thoại còn được tiếp cận nhiều kiến thức thiết thực về hợp đồng LĐ, BHYT, BHXH, BH thất nghiệp, chế độ thai sản...; được chia sẻ về cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan và ngay cả những vấn đề "nhạy cảm" trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Qua sự cởi mở của các cán bộ tư vấn, nhiều chị em mạnh dạn hỏi về những băn khoăn của mình và còn tranh thủ hỏi giúp bạn bè, người thân nhiều vấn đề về tình yêu, cuộc sống. Điều đó giúp nữ CNLĐ tự tin hơn, cố gắng vươn lên khẳng định mình.
Trên thực tế, những năm gần đây, các cấp CĐ liên tục triển khai nhiều chương trình hành động hướng về nữ CNVCLĐ. Riêng năm 2011, LĐLĐ TP đã phối hợp khám chữa bệnh miễn phí cho 45 nghìn CNVCLĐ nữ, phát hiện, điều trị bệnh cho 5.230 chị em; tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề về hạnh phúc gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; biểu dương, khen thưởng gần 41 nghìn gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu; thăm tặng quà, trợ vốn sản xuất cho hàng trăm nữ CNVCLĐ và con em họ. Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật trong CNVCLĐ, LĐLĐ TP đã tổ chức hội thi tìm hiểu chính sách đối với lao động nữ, thu hút hơn 205 nghìn người tham gia...
Tuy nhiên, mặc dù các cấp CĐ đã nỗ lực, ráo riết triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi nữ CNVCLĐ. Nhưng bên cạnh kết quả đạt được, phong trào nữ CNVCLĐ, nhất là trong nữ CNLĐ ở các KCN vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả thu hút chị em tham gia và số chị em được hưởng lợi ích từ các chương trình của CĐ mang lại còn thấp. Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội Vũ Thị Hương bộc bạch, hoạt động đối thoại với nữ CNLĐ tuy hết sức thiết thực và cần thiết với mọi CNLĐ, nhưng số nữ CNLĐ tham gia thường vẫn ít dù được mời và có chính sách hỗ trợ từ 20 đến 30 nghìn đồng/người.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết, mỗi năm bà tham gia hàng chục cuộc giao lưu, đối thoại với nữ CNLĐ và nhận thấy nữ CNLĐ vô cùng thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, tình yêu, hôn nhân và cả kiến thức pháp luật. Không ít nữ công nhân cho rằng, các kiến thức về giới tính, tình yêu, hôn nhân, pháp luật... có cũng được, không cũng chẳng sao. Chỉ đến khi nhận hậu quả xấu họ mới thấy nuối tiếc.
Thực tế, những kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực, nuôi và chăm sóc con... là rất cần thiết với nữ CNLĐ. Đó cũng là điều kiện giúp chị em tự tin, nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, nắm bắt thời cơ và vận hội, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước, khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Vấn đề này không chỉ cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, đặc biệt là CĐ, mà rất cần sự thay đổi nhận thức từ chính nữ CNVCLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.