(HNM) - Từ đầu năm 2021 đến nay, dù tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất đã dịu bớt so với cùng kỳ năm 2020 nhưng nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, đẩy doanh nghiệp vào tình thế bất lợi. Vấn đề đặt ra là đánh giá đúng tình hình, tập trung triển khai các giải pháp thiết thực để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
"Bức tranh" thiếu màu sáng
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và gần 22.600 doanh nghiệp trở lại hoạt động, nhưng cũng có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cho rằng số liệu trên thể hiện "bức tranh" thiếu màu sáng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá, việc doanh nghiệp ra đời hoặc rút khỏi thị trường là bình thường theo quy luật cạnh tranh. Nhưng nếu tỷ lệ doanh nghiệp thất bại, rút khỏi thị trường ngày càng cao thì đó là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp rơi vào tình thế rất khó khăn. Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, những khó khăn từ các đợt dịch trước bị dồn nén, cộng với đợt dịch lần thứ 4 xảy ra, khiến nhiều doanh nghiệp mất cân đối thu - chi, gián đoạn sản xuất…
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, hầu hết doanh nghiệp đang tiếp tục gặp khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi sức chống chịu ngày càng cạn kiệt trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ảnh hưởng do dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, diễn biến của dịch khiến doanh nghiệp rất lo ngại. Nếu nhà máy bị phong tỏa thì có thể “vỡ tiến độ” giao hàng cho đối tác, ảnh hưởng đến uy tín cũng như dòng tiền của đơn vị. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng cho biết, đợt dịch thứ tư phức tạp hơn và ảnh hưởng nặng nề hơn những đợt trước. Trong khi đó, nguyên liệu chính của đơn vị là thép tăng giá trên 20% so với trước đợt dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh đến giá thành sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị còn phải gánh thêm chi phí về phòng, chống dịch Covid-19.
Cần hỗ trợ thiết thực
Trước khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ, như khoanh, giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 5-2021, số tiền gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 2.460 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí đã được giảm nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó. Tiếp đó, ngày 24-6 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian áp dụng từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2021, với tổng mức giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Từ góc độ địa phương, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn công tác, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền làm Trưởng đoàn, để kiểm tra công tác phòng, chống dịch, động viên và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Tại hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của UBND thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành phố tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tổng hợp vướng mắc, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu, nên đánh giá, phân loại khó khăn của doanh nghiệp để có sự trợ giúp hiệu quả. “Ví dụ, có đơn vị được trợ giúp nhưng vẫn không thể tồn tại thì nguồn lực bị lãng phí. Ngược lại, đơn vị có khả năng phục hồi thì cần tập trung hỗ trợ ngay, với thủ tục nhanh, gọn”, ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vinapro Việt Nam Tạ Ngọc Hùng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự triển khai kịp thời, rút gọn về thủ tục đối với doanh nghiệp và điều này phụ thuộc vào tính tự giác của cấp thực thi.
Tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 23-6-2021 kết luận cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm khả thi để các đối tượng khó khăn được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất các hỗ trợ của Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.