(HNM) - Bảo đảm an toàn và thực hiện quy trình vận hành hồ đập thủy điện, thủy lợi đang là vấn đề
Báo Hànộimới số ra ngày 21-11 đã phản ánh ý kiến các ĐBQH về những bất cập xung quanh việc thực hiện quy trình xả lũ cùng việc phân định trách nhiệm trong vấn đề này. Bên lề phiên họp QH ngày 21-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, nếu phát hiện đơn vị vận hành sai sẽ nghiêm khắc xử lý; trường hợp gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù.
- Vừa qua, dư luận cho rằng, người dân ở miền Trung - Tây Nguyên bị thiệt hại lớn là do thủy điện xả lũ không báo trước. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về việc này?
- Quá trình kiểm tra, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đều nắm vững lượng xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện và cho đến nay chưa có một báo cáo nào nói rằng có hồ xả lũ sai quy trình. Tuy vậy, cơn lũ vừa qua quá lớn, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của đồng bào các tỉnh miền Trung, làm 43 người chết, 4 người mất tích, 70 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, hơn 700 nghìn gia súc, gia cầm bị chết.
- Tại sao công tác chuẩn bị phòng, chống lũ của ta khá bài bản nhưng số lượng người chết vẫn nhiều, thưa Phó Thủ tướng?
- Tôi đã yêu cầu các địa phương làm rõ việc này. Kiểm tra cho thấy, số người chết ở những vùng lũ lớn ít hơn số người chết ở những vùng ít bị ảnh hưởng. Người chết sau lũ nhiều hơn số người chết khi lũ về. Nguyên nhân được đánh giá do tâm lý chủ quan của người dân. Nhưng nhìn tổng thể cũng phải rút kinh nghiệm về vấn đề theo dõi hệ thống quan trắc. Cần phải có số liệu dự báo tốt hơn, sai số thấp nhất để có giải pháp cắt lũ đúng đỉnh. Cũng phải phát huy các hệ thống truyền tin nhanh nhất để người dân ứng phó với bão lũ hiệu quả hơn.
- Còn về thông tin thủy điện An Khê - Kanak (tỉnh Bình Định) xả lũ gây thiệt hại cho dân, cụ thể là như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
- Trường hợp này nghe qua báo cáo thì quá trình vận hành có thông báo cho người dân. Nhưng thực hư thế nào cần kiểm tra lại. Việc xả lũ của các hồ chứa nước là chuyện bình thường nhưng nếu làm sai quy trình sẽ gây hậu quả lớn. Các hồ chứa thủy lợi thường xây dựng trên cao, nếu kiểm soát không chặt thì chỉ cần một hồ chứa thủy lợi nhỏ vỡ cũng đủ gây thiệt hại lớn. Tôi đã chỉ đạo nếu địa phương hay bộ, ngành phát hiện hồ nào vận hành sai quy trình thì sẽ phải tổ chức điều tra. Sai thì phải xử lý, gây thiệt hại thì phải đền bù.
- Nhiều ĐBQH cho rằng ở miền Trung có mật độ công trình thủy điện rất dày và sự vận hành liên hồ chưa bảo đảm mới dẫn đến tác động như vậy. Phó Thủ tướng nhận xét như thế nào về những ý kiến này?
- Các địa phương đều đánh giá những công trình thủy điện nằm trên địa bàn vận hành đúng quy trình. Nhưng nếu qua kiểm tra, thấy không hợp lý hoặc tiềm ẩn yếu tố bất lợi thì sẽ phải đình chỉ. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng phải tiếp tục rà soát, đồng thời xem xét và ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ và mùa cạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.