(HNM) - Toàn bộ nước hồ màu xanh lục, sủi bọt, bốc mùi... theo hướng gió thổi dạt về phía góc hồ gần khu dân cư khiến nhân dân
Tảo chết thành mảng, bốc mùi hôi thối trên mặt nước hồ Ngọc Khánh. |
Ai đi qua cũng phải bịt mũi rảo chân bước thật nhanh qua góc hồ Ngọc Khánh từ số nhà 20 đến 36 phố Phạm Huy Thông. Mùi hôi thối bốc lên từ rác thải hoặc xác động vật chết đang trong giai đoạn phân hủy. Các nhà dân thì trong tình trạng "cửa đóng then cài". Bởi hở ra chút xíu là không khí ô nhiễm xộc thẳng vào nhà. Các chủ hàng ăn, quán giải khát "rên rỉ" vì… ế ẩm! Chẳng ai muốn ngồi ăn uống với mùi xú uế.
Theo người dân khu vực, trước đây hồ Ngọc Khánh có ô nhiễm nhưng không đến mức như thế này, cá vẫn có thể sống dưới hồ. Nay thành phố vừa đầu tư đến 20 tỷ đồng cải tạo, nạo vét lòng hồ, xây dựng bờ kè khang trang sạch sẽ mà mùi hôi thối lại ngột ngạt không thở nổi. Người dân nghi ngờ hồ Ngọc Khánh hiện nay không chứa nước mưa như thông báo ban đầu của dự án mà có để nước thải từ cống chảy vào.
Ông Đinh Văn Hiền - Tổ phó Tổ dân phố 19 phường Ngọc Khánh thay mặt nhân dân sống xung quanh vùng ô nhiễm, gồm Cụm dân cư số 5 và 6, với khoảng 2.000 người dân kêu cứu thành phố, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xử lý ngay tình trạng ô nhiễm để người dân thoát khổ. Chứng kiến nỗi khổ của người dân trong phường, ông Nguyễn Minh Tú - Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh triệu tập 2 đơn vị là Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội và Chủ nhiệm thi công công trình để truy tìm nguyên do gây ô nhiễm và yêu cầu có biện pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội - sau khi được cải tạo, hồ nào cũng xuất hiện tảo lục. Sau những ngày phát triển, tảo sẽ chết và nổi lên mặt hồ thành từng đám bọt theo chiều gió dạt về một góc hồ, tiếp tục phân hủy gây ra mùi thối. Quá trình này diễn ra khoảng 1 đến 1,5 tháng rồi tự hết. Đơn vị thi công khẳng định, quá trình cải tạo hồ Ngọc Khánh đã tách nước thải ra cống chung không cho chảy vào hồ. Nước trong hồ chỉ toàn nước mưa nhưng phía cửa cống bên đường Nguyễn Chí Thanh trong thời gian thử nghiệm có đôi khi lẫn nước thải vào hồ.
Cho rằng, chính lượng nước thải lẫn vào hồ đã làm ô nhiễm môi trường, người dân khu vực yêu cầu phải có biện pháp hút sạch nước bẩn trong hồ để thay mới. Tuy nhiên, đến cuối ngày 5-5-2016, sau khi khảo sát thực tế hiện trường, các đơn vị liên quan quyết định phương án, rắc vôi bột trên mặt nước hồ để ngăn tảo lục phát triển, cử người vớt mảng thối đang phân hủy, có thể dùng hóa chất để xử lý thêm…
Chiều 9-5, hàng chục công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tập trung hút tảo, vận hành máy bơm hút nước gây mùi hôi thối. Chứng kiến biện pháp xử lý của đơn vị thi công, nhiều người dân khu vực cho biết, mức độ hôi thối đã giảm bớt, nhưng việc chỉ có một người thực hiện việc vớt mảng bám bằng vật dụng thô sơ thì tình trạng ô nhiễm ở hồ Ngọc Khánh chưa thể sớm chấm dứt. Một lượng nước ô nhiễm vẫn đọng trong hồ dưới ngưỡng cửa xả nên chỉ chờ mưa lớn mới mong có sự thay đổi chất lượng nước ở đây.
Trước thực trạng nước hồ Ngọc Khánh sau cải tạo ô nhiễm nặng nề, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo tiến độ, quá trình triển khai cải tạo hồ Ngọc Khánh, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố. Ngày 6-5, Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản số 1610/BTNMT-VP nêu chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc làm rõ nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước tại hồ Ngọc Khánh. Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường tham mưu và có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, báo cáo tình hình ô nhiễm môi trường ở hồ Ngọc Khánh về Bộ.
Được biết, công trình hồ Ngọc Khánh sau khi cải tạo vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương vì chưa hoàn thiện đầy đủ quy trình hồ sơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.