(HNM) - Cũng như hầu hết thành phố và thị xã ở miền Bắc thời bao cấp, Hà Nội thực hiện quản lý nhân khẩu bằng sổ đăng ký nhân khẩu thường trú (gọi tắt là sổ hộ khẩu).
Sổ hộ khẩu có từ bao giờ?
Từ năm 1954, vì ruộng đất bị bỏ hoang do bom mìn sau chiến tranh, ngoài ra còn do nhiều người nông thôn bỏ ruộng ở quê ra thành phố, dẫn đến sản lượng lúa giảm đáng kể, khiến miền Bắc lâm vào cảnh thiếu lương thực. Trong khi đó, nhiều cán bộ, bộ đội từ chiến khu về mong muốn đưa gia đình, vợ con và họ hàng ra Hà Nội để họ không phải "chân lấm tay bùn" khiến cho tình trạng thiếu lương thực càng trầm trọng hơn. Năm 1955, để bảo đảm đời sống cho bộ đội, những người làm công ăn lương, học sinh trung cấp, sinh viên đại học... Nhà nước buộc phải quy định tiêu chuẩn cung cấp gạo cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và bán với giá thống nhất 4 hào/kg. Ngày 24-10-1957, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 495/TTg về việc hạn chế người vào thành phố. Để quản lý số nhân khẩu, hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng đã tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú cho từng gia đình, cơ quan, trường học...
Có hộ khẩu Hà Nội là được tiêu chuẩn tem phiếu thực phẩm, chất đốt và nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Ảnh tư liệu |
Trong lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến từ đời Trần đã thực hiện quản lý hộ tịch, các triều Lê và Nguyễn tiếp tục làm việc này, nhưng mục đích chính là để thu thuế và bắt đi phu. Đến khi Pháp đô hộ, hộ tịch được quản lý chặt chẽ và khoa học hơn nhưng họ cũng không áp dụng quản lý theo sổ hộ khẩu. Người dân có thể sống ở chỗ này chỗ kia nhưng nếu không mang theo thẻ thuế thân thì bị phạt nặng, thậm chí có thể ngồi tù.
Sổ hộ khẩu có hai loại: Gia đình và tập thể, với sổ hộ khẩu gia đình thì chủ hộ thường là người cao tuổi, còn sổ hộ khẩu tập thể, chủ hộ là thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó. Trong sổ hộ khẩu ghi rõ quan hệ giữa các thành viên, kèm theo đó là thông tin cá nhân gồm: Ngày, tháng, năm sinh; quê quán, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp. Khi kết hôn, trong trường hợp hai người cùng có hộ khẩu ở Hà Nội thì người vợ mang đăng ký kết hôn cùng với giấy cắt hộ khẩu do công an nơi cư trú cấp là có thể nhập hộ khẩu về nhà chồng. Tuy nhiên, đàn ông Hà Nội lấy vợ tỉnh khác không thể nhập khẩu cho vợ về Hà Nội và khi họ có con thì con cái phải nhập hộ khẩu theo mẹ. Song nếu phụ nữ Hà Nội lấy chồng tỉnh khác thì "thuyền theo lái, gái theo chồng", họ buộc phải cắt hộ khẩu Hà Nội nhập về với chồng. Có hộ khẩu Hà Nội là được tiêu chuẩn gạo cung cấp hàng tháng, tem phiếu thực phẩm, chất đốt và nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Mỗi khối (nay là phường) đều có một công an phụ trách công tác hộ khẩu (còn gọi là công an hộ tịch).
Vào những năm 1958, 1959, các công trình nhà ở, nhà máy được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, đã làm tăng nhu cầu công nhân. Nhiều nhà máy, công trường tự tuyển quá nhiều lao động gây khó khăn cho Hà Nội trong cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ. Nhằm kiểm soát số người về Hà Nội, ngày 9-9-1960, Chính phủ đã ban hành "Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn" cùng với Nghị định số 36/CP. Theo đó Bộ Lao động có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công dựa theo kế hoạch của Nhà nước.
Để quản lý nhân khẩu một cách bài bản và toàn diện trong khi đất nước có chiến tranh, ngày 27-6-1964, Chính phủ ban hành "Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu" kèm Nghị định 104/CP. Theo nghị định, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị. Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học. Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ. Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã thì khi đến đăng ký lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi", họ phải đem theo một trong những giấy tờ theo quy định.
Những câu chuyện về hộ khẩu
Đầu những năm 1960, hàng vạn thanh niên Hà Nội đã tình nguyện cùng gia đình đi khai hoang ở Tây Bắc. Đoàn xe chở người rời thành phố lên vùng núi heo hút là cảm hứng cho Tố Hữu viết "Đi ta đi khai phá rừng hoang" (Bài ca xuân 1961).
Dân nghèo thành thị vốn quen buôn thúng bán mẹt, sáng đi bán hàng, chiều có thể đếm tiền thì nay phải lao động chân tay. Các chàng trai cô gái thị thành thừa nhiệt huyết song lại chưa từng cầm con dao, cái cuốc phát cây làm nương nên chân tay xây xát, rồi sốt rét làm cho làn da trắng xanh xao, môi thì xám ngoét. Đêm về ngủ trong lán khóc rưng rức và còn lo sợ thú dữ luẩn quẩn bên ngoài. Nhiều người không chịu nổi đã bỏ về "đất thánh". Thanh niên phải nút bông vào tai khỏi nghe ì xèo, chì chiết của cha mẹ, bóng gió cạnh khóe của hàng xóm. Nhiều gia đình đã bán nhà, cắt hộ khẩu, không còn chỗ ở, phải tá túc ở gầm cầu dẫn phố Phùng Hưng, gầm cầu Long Biên, sau ga Hàng Cỏ vì khi đó phố Trần Quý Cáp còn là ao ruộng, hay bám vào chùa Liên Phái... Không thể nhập lại được hộ khẩu, những hộ này phải ăn gạo ngoài và sống "lậu" trên chính nơi mình đã sinh ra. Họ làm đủ nghề như bán nước chè chén, gánh nước thuê, kéo xe bò ở bến phà Đen... Khi Mỹ ném bom miền Bắc, nhiều thanh niên tình nguyện đi bộ đội để vợ con hay cha mẹ được nhập hộ khẩu nhưng vì không có hộ khẩu nên khu đội cũng đành chịu. Bà giáo Liên ở phố Hàng Cót khi còn sống kể rằng, thấy con trẻ sống ở gầm cầu, không đi học được vì không có hộ khẩu, bà xin phép chính quyền mở lớp học buổi tối ngay trên vỉa hè, dưới ngọn đèn đường để dạy chữ, nhưng đến năm 1966 Mỹ ném bom Hà Nội thì lớp học phải dừng. Các gia đình sống dưới gầm cầu Long Biên buộc phải tìm chỗ khác, khi cả Hà Nội đi sơ tán nhưng trẻ con không hộ khẩu vẫn ở lại, đi sơ tán biết làm gì để sống...
Ở gần Ga Vọng có một ông tên Hải, vì mặt ông bị rỗ nên người ta gọi ông là Hải Min. Cũng đi khai hoang Tây Bắc, nhưng năm 1963 không chịu được gian khổ ông trốn về Hà Nội và làm căn nhà ở gần ga. Sau bao nhiêu năm tích cực tham gia công tác khối phố nhưng ông không thể nhập hộ khẩu. Năm 1978, ông dắt díu vợ con đi kinh tế mới Lâm Đồng, cách đây hai chục năm, nghe nói ông có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh. Ông Phạm Quang Nhuận bạn thân của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, từng phụ trách phòng hộ khẩu của thành phố trong nhiều năm, có lần kể rằng khi con trai bạn là Lưu Quang Vũ ra khỏi bộ đội về nhà mãi không nhập được hộ khẩu dù ai cũng biết nhà Vũ ở Hà Nội và Vũ đã nổi tiếng trong làng thơ với tập "Hương cây - Bếp lửa" (in chung với Bằng Việt). Nhiều tháng không có tiêu chuẩn gạo nên ông Phạm Quang Nhuận phải đứng ra làm lại hộ khẩu cho Lưu Quang Vũ.
Thời bao cấp, người ta gọi Hà Nội là "đất thánh", chẳng ai muốn xa "đất thánh" và ai cũng muốn về "đất thánh", vì ở đây có điện, có đường nhựa, có nước máy - thứ nước làm trắng da và giọng nói trở nên mềm mại hơn. Những người ở quê bám trụ "đất thánh" với quan điểm rõ ràng "giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội". Thời bao cấp, ở dãy số chẵn phố Phan Chu Trinh có ông Việt, gần bốn mươi tuổi đã rụng tóc nên anh em ở Xí nghiệp Mỳ Thượng Đình, nơi ông làm việc gọi là "Việt hói". Ông Việt lấy vợ ở Hưng Yên, bao nhiêu năm đơn từ các cửa vợ ông vẫn không thể về Hà Nội. Cuối tuần về thăm vợ con, ông Việt phải mang theo bọc gạo vì vợ là giáo viên nên tiêu chuẩn cũng chỉ được mười mấy cân. Vợ và các con ông ra Hà Nội cũng phải xách theo mấy cân gạo. Ông Việt kể lúc đầu thấy bực bội, sau rồi cũng quen. Nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết cuối cùng cũng đành phải nói lời chia tay vì lý do không thể nhập khẩu. Còn đôi nào chấp nhận thì lâm vào hoàn cảnh giống như ông Việt.
Cuối năm 1989, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, hộ khẩu không còn giá trị như thời kỳ trước đó...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.