(HNM) - Ông trời tặng cho Hà Nội một viên ngọc quý - Hồ Gươm. Trải qua hàng nghìn năm gắn bó với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội, Hồ Gươm đã nhiều lần bị bàn tay con người làm biến đổi
Nhưng giá trị và vẻ đẹp về Hồ Gươm và vùng phụ cận thì không hề thay đổi - luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt, vừa là trung tâm, vừa chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội và cả nước. Nhìn lại lịch sử Hồ Gươm để thêm hiểu về những việc cần phải làm hôm nay nhằm gìn giữ cho Hồ Gươm luôn mãi là lẵng hoa lung linh giữa lòng Thủ đô.
Hồ Gươm xưa. Ảnh tư liệu |
Hồ Gươm và vùng phụ cận trong lịch sử Thời nhà Trần, Lục Thủy là hồ tự nhiên nằm ngoài đê, nối với sông Hồng bằng các con lạch. Hồ có diện tích lớn nhất trong các hồ ở phía đông Kinh thành Thăng Long. Sớm nhìn ra vẻ đẹp của Lục Thủy, năm 1056, vua Lý Thánh Tông đã cho xây chùa bên hồ đặt tên là Sùng Khánh (khu vực Nhà thờ Lớn hiện nay). Năm 1057 lại xây tháp Đại Thắng Tư Thiên (còn gọi là Báo Thiên tháp) rất cao nên chùa cũng có tên là Báo Thiên. Đến Triều Lê, tháp đổ sập, các nhà sử học đưa ra giả thuyết: Tháp bị sét đánh hoặc do cũ nát lại không được trùng tu.
Tháng Chạp năm 1427, giặc Minh buộc phải rút về nước, thành Đông Quan (Thăng Long) được giải phóng, Lê Lợi vào thành, lên ngôi lập ra Triều Lê. Khi truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy xuất hiện thì hồ có tên là Hoàn Kiếm (dân gian gọi là Hồ Gươm). Thời Lê Trung Hưng, họ Trịnh nắm giữ quyền lực triều chính và lãnh đạo quân đội, các chúa Trịnh cho xây lầu Ngũ Long ở phía đông Hồ Gươm (tương ứng với khu vực phố Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu hiện nay), xây phủ chúa ở phía nam hồ (tương ứng với khu vực đầu phố Quang Trung). Trên hồ cho dựng đài câu cá, làm chỗ nghỉ ngơi, giải trí và nơi tập thủy quân. Rồi hồ bị ngăn làm hai, phần trên như hiện nay gọi là Hồ Gươm và khúc dưới đã bị lấp vẫn là Lục Thủy. Phủ chúa bị Lê Chiêu Thống phóng hỏa đốt và hai lầu đẹp này chỉ còn trong sách sử.
Theo thời gian, dân các làng xung quanh hồ đông dần. Có làng trồng dâu chăn tằm nhưng có làng làm nghề thủ công. Làng Vũ Thạch làm khảm trai nên mang tên phố Hàng Khảm. Kế đó làng Cựu Lâu chuyên làm bài lá vì thế mới có tên Hàng Bài. Phía tây hồ, làng Tự Tháp chuyên vẽ tranh dân gian nổi tiếng khắp nước (sau này gọi là tranh Hàng Trống). Thế kỷ XIX, dân Thường Tín mang nghề thêu ra Hà Nội lập nên phố Hàng Thêu (nay là Hàng Trống), phía giáp phố Hàng Gai có nghề làm trống. Thời nhà Lê, quanh hồ có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Có đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân (còn gọi là Liên Trì vì trong có ao sen), để tưởng nhớ Tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Quang Giai đã hưng công xây chùa thời vua Thiệu Trị, chùa còn có tên khác là Quan Thượng. Phía bắc hồ, trên đất làng Khánh Thụy (nay là phố Báo Khánh và một phần phố Hàng Trống) có đình Đông Hương thờ một ả đào có công giết giặc Minh. Ở phía đông, một cụm công trình có giá trị văn hóa, lịch sử từ bờ kéo xuống hồ gồm: Bút Tháp, Đài Nghiên, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Trước cổng đền Ngọc Sơn là nơi vở kịch nói đầu tiên được các diễn viên Pháp biểu diễn năm 1883, sau đó mở ra bộ môn kịch nói ở Việt Nam vào năm 1921.
Khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, Thăng Long không còn “gần lửa” vì thế luật lệ có phần lỏng lẻo nên Hồ Gươm bị xâm lấn, nhà san sát mép hồ. Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (Une campange au Tonkin, xuất bản năm 1892), tác giả là bác sĩ Hocquard, người theo chân quân đội Pháp ở Hà Nội năm 1883 đã mô tả Hồ Gươm khi đó: Rác ngập ngụa. Xung quanh là những ngôi nhà tranh, muốn xuống hồ phải đi theo những con ngõ... Khi triều đình nhà Nguyễn ký thỏa ước chấp nhận sự bảo hộ của Chính phủ Pháp ở Bắc Kỳ, Hà Nội bắt đầu khác, đặc biệt là khu vực quanh Hồ Gươm. Thời kỳ này, quân Cờ đen còn hoành hành, lính Pháp đang bị xua đi bình định các tỉnh phía Bắc nhưng Công sứ Bonnal vẫn đưa ra chủ trương phát triển Hà Nội theo tinh thần của Chính phủ Pháp “Xây dựng một thành phố mới trong khu phố An Nam cũ”. Chủ trương này tạo ra sự hài hòa giữa khu phố cũ và khu phố sẽ xây, khác hẳn quan điểm của người Anh khi chiếm Ấn Độ đã xây khu phố mới bên cạnh Dehli cổ kính.
Việc đầu tiên của Bonnal là cho làm đường quanh Hồ Gươm và con đường chiến lược Hàng Khảm - Tràng Thi (từ khu nhượng địa Đồn Thủy vào trong Thành). Khi kế hoạch bình định Bắc Kỳ kết thúc, Chính phủ Pháp cần một công sứ có khả năng kiến tạo nên ngày 27-1-1886, đã bổ nhiệm Paul Bert làm Tổng trú sứ (sau này gọi là Toàn quyền) tại Hà Nội. Paul Bert tiếp tục làm đường, đồng thời lệnh Giám đốc Công chính là kỹ sư Getten lên kế hoạch quy hoạch Hà Nội với yêu cầu phải tuân thủ theo quy tắc Haussmann (người quy hoạch Paris thế kỷ XIX). Tức là có các trục thẳng, có nhiều đại lộ, có quảng trường và khu trung tâm, có công viên và vườn cây. Có thể khẳng định, đây là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Hà Nội, giai đoạn chuyển tiếp từ thành lũy phường thị phong kiến sang thành phố quy hoạch theo kiểu Châu Âu mà điển hình là khu vực quanh Hồ Gươm.
Paul Bert thông qua 4 dự án đầu tiên ở phía đông Hồ Gươm, gồm: Tòa thị chính (nay là trụ sở UBND TP Hà Nội), Kho bạc (nay là trụ sở Thành ủy Hà Nội), Bưu điện và Tòa Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ). Công trình do kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu thiết kế được khởi công năm 1887 và hoàn thành vào năm 1896. Các công trình này bao quanh một vườn hoa có tên là Vườn hoa “Bốn tòa” (năm 1887 đổi thành Vườn hoa Paul Bert). Để xây dựng Hà Nội theo trật tự và đúng quy hoạch, ngày 21-9-1891 Thống sứ Bắc Kỳ Beauchamp ban hành “Quy chế lục lộ Hà Nội”, các điều khoản cụ thể và chi tiết từ ban công nhà trên phố, đường kính ống thoát nước, bậc cửa vào nhà, biển quảng cáo… Về chiều cao của nhà hai mặt phố, điều 7 ghi rõ: “Cao ít nhất là 10m, 1 tầng gác không thấp dưới 3m. Ở những phố chiều rộng mặt đường là 18m hoặc hơn, chiều cao ngôi nhà có thể lên đến 15m”. Quy chế mới bãi bỏ tất cả các quy định trước đó. Quy chế cũng có một điều khoản quan trọng “Nếu vi phạm, chủ công trình sẽ bị xử phạt theo Điều 471 và 473 Bộ luật Hình sự nước Pháp” tức là phải phá bỏ hoặc chủ công trình bị tù giam. Đây là văn bản có tính pháp lý quan trọng về xây dựng và quản lý xây dựng ở Hà Nội.
Vì sao chính quyền không cho phép xây cao hơn 15m hoặc không được thấp hơn 10m? Kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu giải thích “Nếu công trình mới xây cao quá sẽ làm mất cân đối với khu phố cũ của người An Nam. Xây dưới 10m sẽ tạo ra sự lụp xụp, mất dáng vẻ sang trọng văn minh của thành phố mới”.
Sau khi quy chế ra đời, các công trình quanh Hồ Gươm như Ngân hàng Đông Dương (nay là trụ sở Báo Nhân Dân) xây năm 1897, bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm), Tòa soạn Báo Avenir du Tonkin - Tương lai Bắc Kỳ (nay là trụ sở Báo Hànộimới) hay Nhà hàng Godard (sau 1954 là Bách hóa Tràng Tiền - nay là Trung tâm thương mại Tràng Tiền)… chiều cao tối đa của các công trình này vẫn chỉ là 15m. Năm 1918, chính quyền Pháp cho xây lại Bưu điện Bờ Hồ và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, họ nghiêm túc thực hiện quy định về chiều cao của quy chế ban hành năm 1891. Trong cuốn L’Indochinoise avec les Francai (Những người Pháp ở Đông Dương, xuất bản ở Paris), nhà báo Jules Boissière nhận xét: “Giống như cô gái An Nam bỏ dần những bộ quần áo xấu xí nhuộm củ nâu đẫm mồ hôi, dân di thực chúng ta đã chứng kiến năm này qua năm khác và gần như tháng này qua tháng khác, Hồ Gươm đã thoát khỏi vành đai cái nhà bẩn thỉu và hiện ra trước mắt chúng ta trong sự tô điểm mới, trẻ trung trong khung cảnh hoa và lá”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.