Hồ Chủ tịch đã đi trước UNESCO gần 50 năm về triết lý giáo dục”. Đó là khẳng định của GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.
(Một lớp bình dân học vụ những năm đầu độc lập) |
GS Nhung đã tìm được tài liệu cho thấy về cơ bản, tư tưởng giáo dục mà UNESCO khuyến nghị năm 1996 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ tháng 9/1949.
Tháng 7/2014, GS Trần Văn Nhung đã gửi thư tới bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO để chia sẻ thông tin này và nhận được phản hồi tích cực.
Theo GS Nhung, khuyến nghị của UNESCO năm 1996 có bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, đó là “Học để có kiến thức. Học để làm việc. Học để biết chung sống với nhau và Học để làm người”.
Thế nhưng từ tháng 9 năm 1949, ghi trên trang đầu của cuốn Sổ vàng khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay, Người đã viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (xem Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, trang 684; NXB Chính trị Quốc gia 2004).
Đây là một phát hiện rất quan trọng, thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chủ tịch trên một nền tảng lý luận đối với công tác giáo dục.
Nhớ lại ngày đầu giành độc lập, sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chủ tịch ký đã đặt ra ba nhiệm vụ cấp bách: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Vì sao lại có sự sắp xếp theo thứ tự trên?
Theo suy nghĩ của người viết bài này, việc diệt giặc đói được đưa lên hàng đầu bởi trận đói kinh hoàng năm 1945 đã cướp đi khoảng 2,5 triệu người tức là tương đương với 10% dân số, (thời điểm đó dân số nước ta khoảng 25 triệu). Vì thế, việc diệt giặc đói là vô cùng cấp bách bởi nói gì thì nói, quan trọng nhất phải là sống rồi làm gì mới làm.
Diệt giặc dốt được Hồ Chủ tịch đưa lên thứ hai. Ngày 3/9/1945, ngay trong buổi họp Chính phủ lâm thời đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã quán triệt: “Nạn dốt là một trong những phương pháp thâm độc mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào bị mù chữ. Thế mà chỉ cần học ba tháng là đọc được, viết được tiếng nước ta. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”.
Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu mà một dân tộc yếu thì khó có thể thoạt khỏi kiếp nộ lệ, phụ thuộc. Có lẽ chính vì thế, Hồ Chủ tịch đã đặt nhiệm vụ “diệt giặc dốt” lên trước giặc ngoại xâm.
Nếu ở Lệnh số 01 do Hồ Chủ tịch ký có 3 nhiệm vụ trên thì ở văn bản cuối cùng, sau tất cả những lời nhắn gửi, Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Từ những điều trên cho thấy phát hiện của GS Nhung vô cùng ý nghĩa bởi đây là những cơ sở để xây dựng và hoàn thiện Lý luận Hồ Chí Minh, một phương pháp lý luận bằng hành động.
Trong cuốn “Một số cảm nhận về tư tưởng – hành động của Hồ Chí Minh” do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2011, tại Lời giới thiệu, ông Nguyễn Văn An – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định có một Lý luận Hồ Chí Minh đồng thời đặt câu hỏi: Vậy lý luận đó ở đâu? Và tự trả lời: “Lý luận Hồ Chí Minh chính là hành động của Người. Hay nói cách khác, Hồ Chí Minh là nhà lý luận thông qua hành động”.
Trong Diễn văn Kỉ niệm 125 năm Ngày sinh của Người, TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ chức kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh là lý luận nhưng không giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời là một nhà thực tiễn giàu lý luận khoa học. Ở Người có sự thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn”.
Theo cảm nhận của người viết bài này, Hồ Chủ tịch đã xác lập một nền Lý luận Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là tìm hiểu, bổ sung và hoàn thiện. Bước đầu có lẽ nên chọn Lý luận Hồ Chí Minh về giáo dục bởi đây cũng là điều mà Người suốt đời mình quan tâm, trăn trở.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng khi Hồ Chủ tịch phát động Tết trồng cây vào năm 1959, lúc đó, thế giới còn mơ hồ và bàng quan đối với môi trường. Còn đối với giáo dục, Người đã đi trước UNESCO gần một nửa thế kỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.