Đó là nhận định của Bộ Y tế trong tờ trình về sự cần thiết phải ban hành nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng, đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định.
Tiêm vắc xin cho trẻ ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Hồng Hải). |
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985. Qua 30 năm triển khai, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tubella và bệnh do vi khuẩn Hib.
Nhờ có vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình này.
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Việc tổ chức thực hiện, triển khai giám sát chương trình tiêm chủng mở rộng chủ yếu do hệ y tế dự phòng thực hiện dẫn tới hạn chế việc tiếp cận dịch vụ đối với người dân, tăng gánh nặng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở thực hiện tiêm chủng. Đồng thời hình thức này đã không huy động và khuyến khích các cơ sở y tế khác tham gia công tác tiêm chủng mở rộng, trong đó đáng chú ý là các bệnh viện, cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện cũng như các cơ sở y tế tư nhân...
“Chính hình thức tiêm chủng như hiện nay thể hiện sự bao cấp quá lớn của Nhà nước do đó khó khăn cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ người trực tiếp làm công tác tiêm chủng cũng như công tác tuyên truyền... đặc biệt duy trì tiêm chủng lâu dài”, Bộ Y tế nhận định.
Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết hiện có hơn 20 loại vắc xin được sử dụng dưới hình thức tiêm chủng dịch vụ. Tuy góp phần vào công tác dự phòng chủ động, tiêm chủng dịch vụ cũng còn nhiều hạn chế như tình trạng cung ứng vắc xin không ổn định vì phải phụ thuộc vào nguồn vắc xin từ nước ngoài.
Đây là sản phẩm đặc biệt, cần được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ nhà sản xuất đến người sử dụng. Do đó, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thường chỉ nhập một lượng nhỏ trong giới hạn của thiết bị bảo quản lạnh để dễ bảo quản và tránh dư thừa nếu người dân không có nhu cầu sử dụng. Chủng loại và số lượng vắc xin ít đặc biệt, một số loại vắc xin chỉ có duy nhất một sản phẩm lưu hành tại Việt Nam, dẫn đến việc không đáp ứng được khi nhu cầu thị trường tăng đột biến theo thời điểm.
Hơn nữa việc lập dự trù của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ còn hạn chế do chủ yếu dựa vào cách tính số lượng từ năm trước để lập dự cho năm sau trong khi thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc được cung cấp vắc xin khoảng 6 tháng nên khi nhu cầu tăng không được đáp ứng kịp thời.
Quản chặt giá vắc xin
Dự thảo quy định vắc xin sử dụng cho hoạt động tiêm chủng bắt buộc do Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm tập trung, phân phối trên cơ sở kế hoạch về nhu cầu sử dụng vắc xin hàng năm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có đảm bảo dự trữ trong 6 tháng.
Vắc xin tiêm chủng dịch vụ do cơ sở tiêm chủng dịch vụ tự bảo đảm. Đối với loại vắc xin phải tiêm nhiều mũi, phải có biện pháp quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch dự trữ đủ vắc xin để đảm bảo tiêm đủ mũi cho đối tượng tới tiêm chủng tại cơ sở. Trường hợp các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không đáp ứng được đủ số lượng vắc xin dịch vụ theo nhu cầu sử dụng thì phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin tương tự trong tiêm chủng mở rộng.
Dự thảo nêu rõ, giá vắc xin tiêm chủng sản xuất trong nước cho tiêm chủng bắt buộc được tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí và được nhà nước duyệt giá để làm cơ sở đặt hàng theo lộ trình: Từ ngày nghị định này có hiệu lực đến hết năm 2018, cơ quan có thẩm quyền duyệt giá vắc xin để làm cơ sở đặt hàng cho tiêm chủng bắt buộc; từ năm 2019 giá vắc xin sản xuất trong nước theo cơ chế giá thị trường và giá cho tiêm chủng mở rộng được thực hiện theo Luật Đấu thầu. Giá mua vắc xin mới thực hiện theo cơ chế đàm phán giá hoặc do nhà nước phê duyệt khi đặt hàng.
Giá dịch vụ tiêm chủng được tính dựa trên các yếu tố: Giá mua vắc xin, các chi phí vận chuyển, bảo quản vắc xin và chi phí dịch vụ tiêm chủng.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ tiêm chủng bắt buộc tại cơ sở y tế công lập. Thủ trưởng cơ sở tiêm chủng công lập và ngoài công lập tự định giá dịch vụ tiêm chủng tự nguyện tại cơ sở mình và thực hiện niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Xảy ra tai biến nặng phải dừng ngay buổi tiêm chủng
Theo dự thảo nghị định, trước khi tiêm chủng phải tiến hành bước khám sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng. Trường hợp đối tượng tiêm chủng là trẻ em thì việc tư vấn được thực hiện với cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút tại cơ sở và hướng dẫn cách theo dõi người được tiêm chủng tại nhà để gia đình tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm.
Tại cơ sở tiêm chủng, khi đang triển khai tiêm mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng phải chỉ đạo dừng ngay buổi tiêm chủng, xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng. Trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến bệnh viện gần nhất, ghi chép đầy đủ thông tin; báo cáo cho Sở Y tế, đồng thời báo cáo cho tuyến trên theo quy định.
Tại nơi tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu nơi tiếp nhận phải chỉ đạo tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo với cấp có thẩm quyền.
Khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, cơ sở y tế nơi xảy ra tai biến có trách nhiệm báo cáo cho Sở Y tế, đồng thời báo cáo cho tuyến trên trong thời gian sớm nhất nhưng không quá 24 giờ kể từ khi xảy ra tai biến.
Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xem xét tiến hành điều tra, đánh giá nguyên nhân và thông báo kết luận về nguyên nhân cho các cơ quan liên quan và Bộ Y tế theo quy định.
Trường hợp nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến tai biến nặng sau tiêm chủng là do chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế quyết định việc tạm dừng sử dụng lô vắc xin liên quan trên địa bàn quản lý trên cơ sở ý kiến đồng ý của Bộ Y tế. Khi có kết luận không liên quan đến chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế quyết định việc cho phép sử dụng lại lô vắc xin đó và báo cáo Bộ Y tế.
Bồi thường cho người bị thiệt hại trong tiêm chủng mở rộng Dự thảo quy định khi sử dụng vắc xin tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân người bị thiệt hại. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án cấp huyện nơi cá nhân người bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi xảy ra thiệt hại. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa án được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.