Thị trường

Hình thức livestream bán hàng: Giúp doanh nghiệp, tiểu thương hồi sinh

Thanh Hiền 21/04/2024 - 07:35

Thời gian qua, những cuộc livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc, giúp nhiều tiểu thương, doanh nghiệp hồi sinh nhờ tính hiệu quả cao. Sức hấp dẫn của livestream đã và đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong ngành thương mại điện tử.

Từ các doanh nghiệp đến giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, từ người kinh doanh ở đô thị đến người nông dân… đều có thể tổ chức livestream bán hàng. Nhiều chuyên gia dự báo, livestream bán hàng sẽ bùng nổ thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

livestream.jpg
Nhiều sản phẩm được doanh nghiệp livestream ở Ngày hội người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024. Ảnh: Diễm Hằng

Hiệu quả cao, doanh thu lớn

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương - chuyên kinh doanh thực phẩm chay phải đối mặt với không ít khó khăn khi hình thức mua sắm trực tiếp có chiều hướng giảm. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Lê Quốc Tuấn cho biết, nhờ bán hàng qua kênh livestream, doanh nghiệp đã chốt được đơn hàng với số lượng ngoài mong đợi khi có ngày lên tới gần 800 đơn hàng với doanh thu hơn 46 triệu đồng. Việc bán hàng livestream đã giúp doanh số bán hàng của công ty qua nền tảng số có thời điểm chiếm 40-50% doanh thu.

Một trường hợp khác là nhà sản xuất thời trang VitaJean. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) Phạm Văn Việt thông tin, doanh nghiệp đã mở kênh bán hàng trên TikTok trong năm vừa qua và doanh số đã tăng 2-3 lần so với những ngày đầu. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm chỗ đứng trên thị trường nội địa trước bối cảnh xuất khẩu khó khăn.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuối tháng 3 vừa qua, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội cũng đã phối hợp với huyện Hoài Đức tổ chức Ngày hội người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho hay, ngoài các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, năm nay, ban tổ chức ngày hội còn mời các Tiktoker như: Ca sĩ Duy Khoa, Tiktoker Kiên CIVC, Tiktoker Hoa thịt chua, ca sĩ Hà Myo... để giúp các doanh nghiệp livestream bán hàng, review các món ăn đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm... đang được bày bán đến du khách và người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển bởi các sàn thương mại điện tử đã vào giai đoạn ổn định, có hệ thống chính sách rõ ràng. Nếu làm tốt, nhà bán hàng có thể dễ điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu đề ra.

Cần chiến lược dài hơi

Có thể thấy, sự bùng nổ trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến đã phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp và tiểu thương. Theo Giám đốc Marketing sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam Nguyễn Thị Phương Uyên, từ khi Alibaba vào Việt Nam, tập đoàn đã hỗ trợ khoảng 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các sản phẩm ở hơn 40 ngành hàng lớn. Trong đó, 6 nhóm hàng được ưu tiên là nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, nội thất, quà tặng và hàng thủ công, quần áo và phụ kiện, thiết bị và vật tư y tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn thành công trong kinh doanh online, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Người kinh doanh phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành.

Từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt chia sẻ, để kinh doanh trực tuyến nói chung và livestream nói riêng, VitaJean đã đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản. Có những thời điểm livestream, kênh bán hàng V-Sixtyfour có thể tiếp cận 500.000 khách hàng. Vì vậy, bên cạnh phần mềm trả lời tự động, doanh nghiệp luôn có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/24 giờ.

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại, giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và các tiểu thương đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, ông Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách quan hệ Chính phủ Công ty TikTok Việt Nam cho biết, trong năm nay, TikTok triển khai 6 chương trình tập huấn tại các vùng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, công ty có các chuyên gia TikTok, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng chia sẻ về cách làm nội dung, quay video, livestream bán hàng...

Về phía mình, Alibaba cũng sẽ đồng hành với Bộ Công Thương qua việc phối hợp tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, từ năm 2021, đơn vị đã tổ chức hơn 40 khóa đào tạo về chuyển đổi số, ghi nhận hơn 2.000 học viên mỗi năm; qua đó hỗ trợ các hợp tác xã, cá nhân tại các địa phương nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến.

Ngoài ra, Alibaba cập nhật các xu hướng thương mại điện tử quan trọng cũng như chia sẻ cơ hội phát triển kinh doanh thông qua nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho doanh nghiệp B2B.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, đơn vị đang tiếp tục tăng cường nghiên cứu, triển khai các phương thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số; hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong tiếp cận với bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử, bán hàng livestream, qua đó giúp các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ thông tin, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình thức livestream bán hàng: Giúp doanh nghiệp, tiểu thương hồi sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.