Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình thành thói quen văn minh

Đan Nhiễm| 06/02/2020 06:23

(HNM) - Dù mới có hiệu lực được hơn 1 tháng, nhưng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã mang lại kết quả rõ rệt.

Một vài số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phần nào nói lên kết quả trên khi tháng 1-2020 toàn quốc xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, giảm gần 15% so với tháng 1-2019. So với tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 227 vụ (14,87%), giảm 138 người chết (18,93%), giảm 169 người bị thương (14,86%). Đáng lưu ý, vi phạm quy định về nồng độ cồn chỉ chiếm 2% trong số các vụ tai nạn. Con số thống kê đó còn "nói" lên được một kết quả rất ý nghĩa khác là, đã có hàng trăm gia đình không phải ly tán, khánh kiệt kinh tế do người thân bị thương vong vì tai nạn giao thông bắt nguồn từ rượu, bia...

Với nhiều người, nhất là nam giới, không chỉ trong ngày Tết mà cả ngày thường, việc có chén rượu, cốc bia đã là chuyện bình thường. Vì thế, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực với việc tăng mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, không ít người tìm đủ lý do để "ngụy biện" rằng quy định mới chưa sát thực tiễn; thậm chí, còn “dự báo” chế tài này sẽ “đầu voi, đuôi chuột” như một số văn bản trước đây...

Những “ý kiến” như kể trên cũng dễ hiểu, vì để thay đổi một thói quen, dù đó là thói quen không tốt, thật không dễ. Vấn đề này đã từng thấy khi cả nước thực hiện quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ (có hiệu lực từ ngày 1-1-1995); quy định người điều khiển mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm kể từ ngày 15-12-2007. Đến khi thực tiễn chứng minh tính nhân văn, hiệu quả và tác dụng to lớn của các quy định trên, những ý kiến trái chiều đã không còn "đất sống".

Trở lại với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có thể thấy, hai văn bản này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Phong trào “đã uống rượu, bia - không lái xe” lan rộng khắp cả nước. Không chỉ với người điều khiển phương tiện giao thông, các quy định còn tác động vào tư tưởng, thay đổi ý thức, thói quen của người dân theo chiều hướng tốt lên. Không ai cấm uống rượu, bia, chỉ cấm người đã uống rượu, bia thì không được lái xe tham gia giao thông... Từ việc bị “đánh” vào túi tiền, nhiều người đã nhận ra tác hại rõ ràng của việc "quá chén" vẫn lái xe đối với sức khỏe của mình và tính mạng của người khác, chứ không đơn thuần là mất tiền nộp phạt. Tuy ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia cũng bị ảnh hưởng, nhưng lợi ích lâu dài đối với mỗi người và cả xã hội là khó có thể đong đếm.

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được duy trì thường xuyên, lâu dài và dần trở thành nếp sống mới trong xã hội, bên cạnh việc duy trì kiểm tra, xử phạt nghiêm minh của lực lượng Cảnh sát giao thông, rất cần sự chung tay tiếp sức của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền cơ sở chủ động tuyên truyền, tích cực vận động, cổ vũ người dân. Mỗi người, mỗi gia đình cũng góp phần bằng cách khuyên bảo, khuyến khích người thân của mình "đã uống rượu, bia - không lái xe", sử dụng rượu, bia có trách nhiệm với chính mình và với những người xung quanh, quyết không để rượu, bia có cơ hội tước đi sinh mạng cũng như nhân cách mỗi người. 

Chính sách đúng thì đạt đồng thuận lớn trong xã hội và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là một dấu mốc quan trọng, góp phần thay đổi lớn về nhận thức, hình thành hành vi, thói quen của mỗi người, tạo nếp sống đẹp, văn minh hơn, an toàn hơn cho cuộc sống của chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành thói quen văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.