Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu ứng tích cực từ môi trường đầu tư

Anh Minh| 02/06/2014 06:49

(HNM) - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đã lên tới 5,5 tỷ USD (65,7% so với cùng kỳ). Đây là một con số khá ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều bất lợi.

Chuyển biến đáng ghi nhận

Trong khi tổng mức vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2014 đạt 4,85 tỷ USD, chỉ bằng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, thì kết quả thu hút vốn ĐTNN của 5 tháng đã tăng lên 5,5 tỷ USD và bằng 65,7% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam đã có sự chuyển dịch khả quan hơn, thể hiện hiệu ứng tích cực của việc tăng cường cải thiện chất lượng môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Denso Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản. Ảnh: Yến Ngọc


Khu vực có vốn ĐTNN cũng gặt hái kết quả tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong tháng 5-2014 đạt 39,45 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013, đồng thời chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vẫn khẳng định sự lựa chọn là Việt Nam, với mục tiêu trung và dài hạn. Họ muốn tận dụng cơ hội tốt về nguồn nhân lực, chi phí nhân công thấp, quy mô thị trường lớn cũng như sự ổn định về chính trị. Hơn thế, nhiều DN nước ngoài muốn phát huy lợi thế về vị trí địa lý, dễ dàng cho việc vận tải hàng hóa để đầu tư phát triển cơ sở sản xuất phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã nhanh chóng triển khai dự án sản xuất điện thoại tại Thái Nguyên và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỷ USD ngay trong năm 2013. Tập đoàn này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam; đồng thời khẳng định tăng cường đầu tư nhằm tăng gấp đôi sản lượng điện thoại trong tương lai gần. Khi đó, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất ra khoảng 50% tổng số điện thoại di động của Samsung trên toàn thế giới và từng bước trở thành địa bàn chiến lược của tập đoàn này. Sự thành công trong kinh doanh và xuất khẩu sẽ tạo ra hàng vạn việc làm mới, đặc biệt là mở ra cơ hội để DN Việt đầu tư có bài bản, xúc tiến liên kết hợp tác với DN nước ngoài rồi chủ động chuyển dịch cơ cấu sản phẩm và đảm nhận vai trò là nhà cung cấp linh kiện theo đơn đặt hàng của DN ĐTNN. Đây là lợi ích "kép" trong hoạt động thu hút ĐTNN có chọn lọc.

Bảo vệ nhà đầu tư

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định, ĐTNN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là kênh cấp vốn cho phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm hỗ trợ nhà đầu tư, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, theo nguyên tắc ổn định và bình đẳng; đặc biệt là việc áp dụng những chính sách nhằm không ngừng hỗ trợ kết hợp tinh thần quyết tâm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Thực tế gần 30 năm mở cửa thu hút vốn ĐTNN cho thấy, nhà đầu tư ngoại đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, thu được lợi ích cũng như góp phần thực hiện CNH - HĐH ở Việt Nam.

Trước những hậu quả không đáng có do một số sự việc quá khích vừa qua đối với một số DN ĐTNN trên địa bàn Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bình Dương, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các hoạt động, hỗ trợ DN và khẳng định rõ mong muốn duy trì môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan quản lý, địa phương căn cứ thiệt hại thực tế của DN thực hiện việc gia hạn đối với thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách. Thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với những khoản thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa bị tổn thất; cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các DN bị thiệt hại đang có nợ thuế… Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương tăng cường phối hợp để hỗ trợ DN, bám sát chủ trương giữ gìn hình ảnh và uy tín về môi trường đầu tư Việt Nam.

Được biết, đến nay hầu hết số DN bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường, có đơn vị còn tuyển thêm công nhân để chuẩn bị mở rộng sản xuất.

Một số dự án mới, có quy mô lớn trong thời gian qua là các dự án: Công ty CP Xi măng Thăng Long của nhà đầu tư Indonesia tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 352,65 triệu USD; Công ty TNHH Bệnh viện quốc tế Đại An Việt Nam - Canada tại Hải Dương với tổng vốn đầu tư 225 triệu USD; Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu ứng tích cực từ môi trường đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.